Ngày 16/9/2017 trên trang Facebook của Nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ thông tin tác phẩm truyện “Hoa cúc áo” đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam in ấn thành sách mà không xin phép sử dụng. Câu chuyện khiến chính bản thân Nhà văn bất ngờ là ngay trên trang bìa sách ghi tên tác giả Thu Hương, bìa phụ ghi dòng chữ “Dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến”, tác phẩm được in ấn và tái bản đến 8 lần nhưng đến giờ Tác giả mới hay biết ???

 Xin trích nguyên bài đăng trên trang Facebook cá nhân của Nhà văn Trần Đức Tiến cập nhật mới nhất để độc giả quan tâm và tiện theo dõi.

THÔNG TIN THÊM VỀ VỤ HOA CÚC ÁO

Vụ này lằng nhằng, không vui vẻ gì. Tôi biết có những bạn quan tâm nên mới thông tin thêm. Bạn nào không thích bỏ qua, đừng trách tôi làm mất thì giờ của bạn.

Sau khi đưa bài “Thế này là thế nào” lên Fb, chiều qua (16-9), một người có trách nhiệm của Công ty cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông (từ đây viết tắt là CTMT) trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã gọi điện cho tôi.

Nội dung cuộc trao đổi:

1-      CTMT là đơn vị trực tiếp tổ chức biên tập và xuất bản cuốn “Hoa Cúc Áo” (truyện tranh).

2-      Năm 2005, tôi gửi một chùm truyện tham dự cuộc thi “Sáng tác cho lứa tuổi mầm non” của Nxb Giáo dục (và được giải Nhất), trong đó có “Hoa Cúc Áo”. CTMT đã sử dụng bản thảo “Hoa Cúc Áo” từ cuộc thi này để in cuốn sách nói trên.

3-       Ngoài bìa cuốn sách chỉ in tên sách, tên nhà xuất bản. Nhưng bên trong (bìa phụ - bìa lót) có in trên đầu trang: “Thu Hương sưu tầm và biên soạn”. Dưới in: “Dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến”, và “Tranh: Nguyễn Kim Duẩn”.

4-       CTMT muốn được làm việc trực tiếp với tôi để thỏa thuận giải quyết vụ việc.

5-      CTMT muốn tôi gỡ bài trên Fb.

Về nội dung 1, tôi không có ý kiến.

Về nội dung 2, người của CTMT giải thích: điều lệ cuộc thi cho phép Nxb Giáo Dục được sử dụng bản thảo dự thi của các tác giả… Tôi đồng ý, nếu quả thật điều đó có ghi trong điều lệ cuộc thi (từ 2005, làm sao còn nhớ?). Tuy nhiên, đồng ý cho Nxb sử dụng bản thảo, không có nghĩa là tác giả bán đứt bản quyền cho Nxb. Mỗi lần Nxb dùng nó vào việc gì với mục đích kinh doanh thì vẫn phải cho tác giả biết và trả tiền tác quyền đàng hoàng. Tôi nghĩ thế có đúng không ạ?


Về nội dung 3, xin nói rõ thêm: hai bức ảnh kèm theo bài “Thế này là thế nào” của tôi hôm qua, là do tôi chụp lại trên trang Web chính thức của CTMT. Một ảnh bìa sách. Một ảnh giới thiệu sách. Giới thiệu sách chỉ ghi: “Tác giả: Thu Hương”. Chiều tối qua, trang Web này đã sửa lại: “Tác giả: Sưu tầm và biên soạn Thu Hương (dựa theo truyện cùng tên của Đức Tiến)”. Xem ra cũng không ổn lắm. Tôi nghĩ “Hoa Cúc Áo” là truyện tranh, được dựng từ truyện của tôi, thì tác giả của nó phải là đồng tác giả: tôi, họa sĩ, và có thể thêm người sưu tầm, biên soạn… Ở đây cũng phải nói ngay: tôi rất ghét khi thấy bút danh của mình được giới thiệu đâu đó mà chỉ với 2 chữ “Đức Tiến” (mất chữ Trần ở đầu). Đây là sự tùy tiện rất khó chấp nhận.

Cũng trong chiều qua, một người bạn đã gửi cho tôi ảnh chụp trang bìa và trang bìa phụ của cuốn sách. Điều đáng nói hơn cả là ở trang bìa phụ, ngoài những dòng in tên người sưu tầm, họa sĩ… như đã nói bên trên, còn có dòng: “TÁI BẢN LẦN THỨ TÁM”.


Thưa các bạn, vì dòng chữ này, tôi quyết định:

1.       Tôi không làm việc với CTMT, mà nhờ Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (nơi tôi ký hợp đồng bảo hộ tác quyền) làm việc với CTMT.

2. Tôi không gỡ bài “Thế này là thế nào” trên Fb.

Tôi cho rằng CTMT không có bất cứ lý do gì để biện minh cho sự vô trách nhiệm, vô cảm của mình, khi im lặng một cách thản nhiên “luộc” tác giả đến lần thứ TÁM.

Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) sẽ nhanh chóng vào cuộc thực hiện các thủ tục xử lý vi phạm bản quyền cần thiết nhằm luôn đồng hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Tác giả Hội viên của VLCC.