Điều lệ hoạt động Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam

Theo Quyết định số 221/QĐ - HNV ngày 03/11/2008 của Chủ tịch Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam qui định về điều lệ Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam với những nội dung cụ thể


 

Chương 1: TÊN GỌI – TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH

*Tên gọi

Tên gọi : TRUNG TÂM QUYỀN TÁC GIẢ VĂN HỌC VIỆT NAM

Tên tiếng Anh: VIETNAM LITERARY COPYRIGHT CENTER

Viết tắt là : VLCC

* Tư cách

Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (dưới đây gọi là Trung tâm) là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoạt động trong lĩnh vực sáng tác văn học, nghệ thuật và khoa học có thể thể hiện dưới hình thức viết thỏa thuận thành lập nhằm khuyến khích sáng tạo và quản lý quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và có tài khoản ở Ngân hàng theo quy định của Nhà nước.

Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự hạch toán.

Trung tâm chịu sự quản lý của Hội nhà văn Việt Nam, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Trung tâm được Ban chấp hành Hội Nhà văn phê duyệt.

* Mục đích hoạt động

Trung tâm được thành lập và hoạt động nhằm thực hiện các mục đích sau:

• Tập hợp các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả vào một tổ chức nhằm hợp tác, hỗ trợ nhau để thúc đẩy hoạt động sáng tác và khai thác có hiệu quả quyền tác giả.

• Quản lý tập thể về quyền tác giả đối với các tác phẩm thông qua hợp đồng ủy thác quyền giữa các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và Trung tâm;

• Bảo vệ tốt các nguyên tắc về bảo hộ quyền tác giả được ghi nhận trong Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia;

• Khuyến khích sáng tạo và đẩy mạnh việc khai thác những lợi ích từ việc sử dụng tác phẩm phù hợp với quy định của pháp luật cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;

• Tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng tác phẩm sử dụng một cách hợp pháp trong việc liên hệ và xin phép sử dụng tác phẩm.

• Đóng góp ý kiến cho việc hoạch định cơ chế, chính sách về quyền tác giả và các quy định pháp luật về quyền tác giả trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, trong quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản;

• Hợp tác, giao lưu với các tổ chức tương ứng của quốc tế và các quốc gia trong việc quản lý tập thể quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

• Chống lại các hành vi xâm phạm quyền tác giả ;

Trung tâm có thể trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện tất cả những hoạt động liên quan đến mục đích hoạt động của mình hoặc tạo điều kiện cho việc đạt được những mục đích đó.

* Phạm vi hoạt động

Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước.
Trung tâm có trụ sở chính tại Hà Nội và các chi nhánh tại các địa phương. 

Chương 2: NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN

Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về quyền tác giả đến các thành viên và công chúng; thông tin, tư vấn về bảo hộ quyền tác giả cho thành viên;
- Thực hiện các hoạt động khuyến khích sáng tạo và các hoạt động xã hội khác;

- Thực hiện quyền được thành viên ủy thác trên cơ sở Hợp đồng ủy thác quyền tác giả;

- Thiết lập Biểu giá thu tiền bản quyền, Quy chế cấp phép và thu tiền bản quyền, Quy chế phân phối tiền bản quyền đối với việc sử dụng các tác phẩm do Trung tâm quản lý;

- Đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước trong các quan hệ về quyền tác giả đối với các tác phẩm do trung tâm quản lý;

- Tổ chức hòa giải khi có tranh chấp giữa các thành viên;

- Báo cáo, thông tin cho Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo định kỳ hoặc đột xuất về các hoạt động của tổ chức mình;

- Làm cầu nối trong các quan hệ giữa các thành viên của Trung tâm và các cơ quan Đảng, Chính quyền và các cơ quan hữu quan, nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến hoạt động bảo hộ quyền tác giả trong khuôn khổ pháp luật quy định;

- Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trung tâm có những quyền hạn sau: 

- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Trung tâm và thành viên theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị, hội thi, bồi dưỡng và các hoạt động khác liên quan đến lĩnh vực quyền tác giả;

- Ban hành Quy chế cấp phép và thu tiền bản quyền, Quy chế phân phối tiền bản quyền, Biểu giá thu tiền bản quyền;

- Quản lý các quyền mà chủ sở hữu quyền ủy thác theo hợp đồng;

- Tổ chức đàm phán, cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền được phát sinh từ việc khai thác quyền, nhóm quyền được ủy thác quyền phù hợp với Quy chế cấp phép và thu tiền bản quyền, Quy chế phân phối tiền bản quyền và Biểu giá thu tiền bản quyền;

- Áp dụng các biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả;

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật về quyền tác giả;
- Áp dụng các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của thành viên hoặc các tác giả, chủ sở hữu quyền ủy thác cho Trung tâm;

- Thành lập các tổ chức trực thuộc Trung tâm theo quy định của pháp luật;

- Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của Trung tâm, kiến nghị với Nhà nước những vấn đề về pháp luật, chính sách nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tập thể về Quyền tác giả;

- Quan hệ hợp tác với các cơ quan và tổ chức Việt Nam liên quan;

- Quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan theo quy định của pháp luật;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Chương 3: BIỂU GIÁ THU TIỀN BẢN QUYỀN – QUY CHẾ CẤP PHÉP VÀ THU TIỀN BẢN QUYỀN – QUY CHẾ PHÂN PHỐI TIỀN BẢN QUYỀN

1. Biểu giá thu tiền bản quyền

Biểu giá thu tiền bản quyền là văn bản do Trung tâm ban hành, trong đó quy định về tiền bản quyền cho việc sử dụng các tác phẩm dưới từng hình thức nhất định làm cơ sở để Trung tâm đàm phán, ký kết hợp đồng sử dụng với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng các tác phẩm do Trung tâm quản lý.

2. Quy chế cấp phép và thu tiền bản quyền

Quy chế cấp phép và thu tiền bản quyền là văn bản do Trung tâm ban hành, trong đó quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp phép và phương thức thu tiền bản quyền, phù hợp với biểu giá thu tiền bản quyền, đối với việc sử dụng tác phẩm do Trung tâm quản lý.

Quy chế cấp phép và thu tiền bản quyền áp dụng đối với tất cả các cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm do Trung tâm quản lý trên cơ sở hợp đồng ủy thác quyền, không xét đến việc giữa các bên có hoặc không có ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm.

3.Quy chế phân phối tiền bản quyền

Quy chế phân phối tiền bản quyền là văn bản do Trung tâm ban hành, trong đó quy định phương thức phân phối tiền bản quyền có được từ hoạt động cấp phép thông qua hợp đồng sử dụng tác phẩm do Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam quản lý, cho chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được chủ sở hữu quyền tác giả chỉ định, ủy quyền.
Quy chế này áp dụng đối với tất cả các chủ sở hữu quyền tác giả ủy thác việc quản lý quyền tác giả đối với các tác phẩm cho Trung tâm.

Chương 4: HỢP ĐỒNG ỦY THÁC QUYỀN TÁC GIẢ - HỢP ĐỒNG SỬ DỤNG TÁC PHẨM

1. Hợp đồng ủy thác quyền tác giả

Hợp đồng ủy thác quyền tác giả, sau đây được gọi là Hợp đồng ủy thác, là yếu tố đặc biệt để xác định trách nhiệm và quyền lợi tương hỗ giữa Trung tâm và thành viên, là văn bản xác định cách thức và các điều kiện về việc người ủy thác (thành viên –chủ sở hữu quyền tác giả) giao cho người được ủy thác quản lý quyền tác giả (Trung tâm) nhằm bảo vệ quyền tác giả và hỗ trợ việc khai thác, sử dụng tác phẩm.

2.Phạm vi quản lý quyền tác giả

Trung tâm quản lý các quyền được ủy thác trong phạm vi các lĩnh vực sau đây:

• Sử dụng tác phẩm trong lĩnh vực xuất bản;

• Sử dụng tác phẩm dưới hình thức biểu diễn;

• Sử dụng tác phẩm trên các phương tiện truyền thông, thiết bị cầm tay và trong môi trường kỹ thuật số;

• Sử dụng tác phẩm trên các phương tiện phát sóng;

• Sử dụng tác phẩm tại các địa điểm công cộng;

• Sử dụng tác phẩm trong điện ảnh, sân khấu;

• Sử dụng tác phẩm để sao chép bằng các phương tiện sao chép;

• Sử dụng tác phẩm trong các lĩnh vực khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Quản lý quyền tác giả ở nước ngoài

- Trung tâm có thể ủy thác cho các tổ chức quốc tế hoặc các tổ chức tương ứng ở nước ngoài để quản lý quyền tác giả ủy thác tại các lãnh thổ đó theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi tổ chức được ủy thác được thành lập.

- Trung tâm có thể nhận ủy thác của các tổ chức quốc tế hoặc các tổ chức tương ứng ở nước ngoài, và bảo vệ quyền được ủy thác theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nơi tổ chức được ủy thác được thành lập.

Hợp đồng sử dụng tác phẩm

- Hợp đồng sử dụng tác phẩm là hợp đồng được ký kết giữa Trung tâm và tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm do Trung tâm quản lý quyền.

- Hợp đồng sử dụng quyền tác giả phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

- Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;

- Căn cứ chuyển quyền;

- Phạm vi chuyển giao quyền;

- Giá, phương thức thanh toán;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

- Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng sử dụng quyền tác giả được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Chương 5: THÀNH VIÊN

1.Sự công nhận

Các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tán thành Điều lệ của Trung tâm, tự nguyện gia nhập, được Giám đốc Trung tâm chấp nhận đơn xin gia nhập đều được công nhận là thành viên của Trung tâm.

2.Thành viên 

Thành viên của Trung tâm gồm có:

- Chủ sở hữu quyền tác giả: là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản được quy định theo pháp luật về Sở hữu trí tuệ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm: tác giả; các đồng tác giả; người được thừa kế hợp pháp; người được chuyển quyền; tổ chức cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả (trừ trường hợp có thỏa thuận khác);

- Người đang quản lý, khai thác hợp pháp quyền tác giả theo  quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về sở hữu trí tuệ.

3.Thủ tục gia nhập

- Tổ chức, cá nhân theo quy định tại điều 14, 15 của Điều lệ này nộp đơn xin gia nhập Trung tâm. 

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Giám đốc Trung tâm phải thông báo về việc chấp nhận đơn. Trường hợp không chấp nhận, Giám đốc Trung tâm phải thông báo bằng văn bản.

- Trường hợp các chủ thể ký hợp đồng ủy thác quyền tác giả cho Trung tâm đương nhiên được coi là thành viên của Trung tâm.

4.Thủ tục từ bỏ tư cách thành viên của Trung tâm

- Thành viên tự nguyện xin rút khỏi Trung tâm gửi đơn cho Giám đốc Trung tâm. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Giám đốc Trung tâm phải thông báo về việc chấp thuận việc từ bỏ tư cách thành viên;

- Thành viên đương nhiên bị chấm dứt tư cách thành viên khi:

- Vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Trung tâm;

- Gây tổn hại đến uy tín, tài sản của Trung tâm;

- Bị đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chết, bị kết án;

- Quyền và nghĩa vụ của thành viên chấm dứt sau khi Giám đốc Trung tâm có văn bản về việc chấm dứt tư cách thành viên.

- Trường hợp thành viên chết thì người thừa kế đương nhiên là thành viên của Trung tâm và vẫn được nhận tiền bản quyền từ hợp đồng ủy thác đã ký kết với Trung tâm trừ khi có thỏa thuận khác với Trung tâm.

- Việc chấm dứt tư cách của một thành viên bất kỳ sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của những hợp đồng cấp phép sử dụng được ký kết trước thời điểm chấm dứt tư cách thành viên và có sử dụng tác phẩm của thành viên đó.

5.Quyền của thành viên:

- Được ủy thác quyền tác giả cho Trung tâm đối với các tác phẩm mà mình là chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người đang quản lý, khai thác hợp pháp quyền tác giả theo  quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia về sở hữu trí tuệ;

- Được nhận tiền bản quyền được phát sinh từ việc khai thác quyền, nhóm quyền được ủy thác quyền;

- Đề nghị Trung tâm hỗ trợ trong việc thực hiện các hoạt động bảo hộ quyền tác giả trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quyền hạn và khả năng của Trung tâm;

- Được tham gia mọi hoạt động của Trung tâm, đóng góp ý kiến, thảo luận và biểu quyết các mặt công tác của Trung tâm, được tham dự hoặc cử người tham dự Đại hội, được đề cử, ứng cử và bầu cử;

- Được phát biểu ý kiến, đề đạt kiến nghị, nguyện vọng lên cơ quan Đảng, Mặt trận và Chính quyền xem xét giải quyết thông qua Trung tâm;

6.Thành viên của Trung tâm có nghĩa vụ:

- Chấp hành Điều lệ của Trung tâm, các Nghị quyết, Quyết định, Quy chế của Trung tâm;

- Tham gia sinh hoạt đều đặn trong các tổ chức của Trung tâm;

- Thường xuyên cung cấp cho Trung tâm những danh mục các tác phẩm ủy thác cho Trung tâm quản lý và các thông tin, số liệu cần thiết cho việc quản lý tập thể về quyền tác giả của Trung tâm;

- Đoàn kết, hợp tác để cùng nhau thực hiện tôn chỉ, mục đích của Trung tâm.

Chương 6: TỔ CHỨC – HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM

* Cơ cấu tổ chức Trung tâm 

- Giám đốc Trung tâm;

- Hội đồng Tư vấn;

- Các phòng ban chuyên trách;

- Chi nhánh, văn phòng đại diện của Trung tâm.

* Giám đốc Trung tâm

- Giám đốc Trung tâm là người đại diện theo pháp luật của Trung tâm, là người điều hành cao nhất các hoạt động của Trung tâm, chịu sự giám sát của Ban chấp hành Hội Nhà văn, chịu trách nhiệm trước Hội Nhà văn Việt Nam và trước pháp luật về mọi hoạt động của Trung tâm.

- Giám đốc Trung tâm do Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc thuê Giám đốc điều hành hoạt động hằng ngày của Trung tâm.

- Nhiệm kỳ của Giám đốc là năm năm, có thể được bổ nhiệm lại với số lượng nhiệm kỳ không hạn chế.

- Phó Giám đốc Trung tâm do Ban chấp hành Hội Nhà văn bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Trung tâm. Phó giám đốc Trung tâm là người giúp việc, được Giám đốc Trung tâm phân công phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác cụ thể của Trung tâm.

- Điều kiện, tiêu chuẩn, quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể của Giám đốc Trung tâm được quy định cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm.

* Hội đồng Tư vấn

- Hội đồng tư vấn là cơ quan tư vấn cho Giám đốc Trung tâm về các chính sách, định hướng phát triển và hoạt động của Trung tâm.

- Các thành viên của Hội đồng tư vấn là các cá nhân có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoặc những người có uy tín trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Thành viên của Hội đồng tư vấn do Hội Nhà văn lựa chọn trên cơ sở sự đề nghị của Giám đốc Trung tâm. Số lượng thành viên Hội đồng tư vấn do Hội Nhà văn Việt Nam quyết định.

* Các phòng ban chuyên trách, chi nhánh, văn phòng đại diện của Trung tâm

Căn cứ vào nhu cầu hoạt động và tình hình thực tế để thực hiện các công việc mang tính chất chuyên môn, Giám đốc Trung tâm quyết định thành lập các phòng ban chuyên trách giúp việc; các chi nhánh, văn phòng đại diện tại các địa phương. Cơ cấu tổ chức, số lượng các bộ phận này do Giám đốc quyết định và được sự nhất trí của Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam.

Chương 7: TÀI CHÍNH

* Tài chính kế toán của Trung tâm

Công tác Tài chính kế toán của Trung tâm được thực hiện theo chế độ đơn vị hạch toán độc lập. Việc mở sổ sách kế toán và hạch toán thu, chi, báo cáo quyết toán theo định kỳ hoặc đột xuất phải thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.

Năm tài chính của Trung tâm bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 dương lịch và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 dương dịch hàng năm. Trung tâm phải báo cáo việc thu chi hàng năm theo quy định về Hội Nhà văn Việt Nam.

Nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm bao gồm
- Nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm bao gồm:
- Nguồn thu từ lệ phí thành viên;
- Nguồn thu từ quản lý phí;
- Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước;
- Nguồn thu từ các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Các nguồn thu hợp pháp khác.
- Việc thu và sử dụng nguồn kinh phí nói trên phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với hoạt động của Trung tâm.

* Chi phí của Trung tâm

Các nguồn kinh phí của Trung tâm sẽ được dùng để chi các hoạt động sau đây của Trung tâm:

• Điều hành hoạt động của Trung tâm;

• Phương tiện, trụ sở và các tiện ích phục vụ cho hoạt động của Trung tâm;

• Tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi xã hội cho cán bộ, nhân viên (bao gồm chuyên trách và không chuyên trách) của Trung tâm và các khoản thù lao cho các cộng tác viên, luật sư, các chuyên gia tư vấn;

• Trích lập các quỹ của Trung tâm: Quỹ Phúc lợi khen thưởng;

• Các chi phí khác phù hợp hoạt động của Trung tâm.

Cách thức quản lý tài sản chung

Tài sản cơ bản của Trung tâm và tài sản ủy thác do Giám đốc quyết định.

* Hệ thống kế toán gồm:

• Bộ phận thứ nhất: theo dõi, thực hiện việc thu chi cho hoạt động của Trung tâm.

• Bộ phận thứ hai: theo dõi, thực hiện việc thu, phân phối tiền sử dụng tác phẩm cho chủ sở hữu quyền tác giả.