Về phía Việt Nam, tham dự Diễn đàn có bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; đại diện các Cục, Vụ, các cơ quan quản lý, thực thi thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an; các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; một số nhà nghiên cứu, giảng dạy pháp luật tại một số trường đại học; cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng tác phẩm của hai quốc gia; một số văn phòng luật sư và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí tại Việt Nam. Về phía Hàn Quốc, tham dự Diễn đàn có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Cục Bản quyền tác giả Hàn Quốc, Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc, Văn phòng đại diện Ủy ban Bản quyền tác giả Hàn Quốc tại Hà Nội, Đài truyền hình KBS và Hiệp hội Người biểu diễn Âm nhạc Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã biểu dương và hoan nghênh tinh thần hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Thứ trưởng khẳng định: “Chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho các bên.Trong các Hiệp định Thương mại tự do đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã được hai quốc gia ký kết thông qua ngày 05/5/2015 và có hiệu lực từ ngày 20/12/2015”. Do đó, Thứ trưởng đã chỉ đạo cụ thể đối với các chuyên gia và đại biểu tham dự Diễn đàn: “Bên cạnh việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm vềnội dung quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, cần tập trung thảo luận các vấn đề phát sinh trong thực tiễn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, nghiên cứu đánh giá hiện trạng và xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp dựa trên bản quyền đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể, sáng tạo trong quản lý và thực thi quyền tác giả và quyền liên quan để thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ và môi trường sáng tạo trong khu vực và trên thế giới”.
Diễn đàn Bản quyền tập trung thảo luận các chuyên đề sau: Hiện trạng và xu hướng trong chính sách và pháp chế về bản quyền tác giả của hai quốc gia theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc:Hiện trạng và xu hướng thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam; Phương hướng và sự thay đổi của ngành công nghiệp nội dung truyền hình của Hàn Quốc; Phương hướng và sự thay đổi của ngành công nghiệp nội dung truyền hình của Việt Nam; Phương hướng và sự thay đổi của ngành công nghiệp nội dung âm nhạc của Hàn Quốc; Phương hướng và sự thay đổi của ngành công nghiệp nội dung âm nhạc của Việt Nam.
Tại Diễn đàn, ông Kim Sung Yeol, Trưởng phòng nghiên chính sách Quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc đã làm nổi bật hiện trạng và xu hướng trong chính sách và pháp chế về bản quyền tác giả của hai quốc gia theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc. VKFTA nâng cao vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt là trong hoạt động sáng tạo, chuyển giao và phổ biến công nghệ và thương mại. VKFTA cho thấy mối quan hệ ngày càng chặt chẽ và sự đóng góp của nó đối với sự hợp tác cùng phát triển của hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc. Bài thuyết trình cũng nêu các phương hướng chính sách pháp luật quản lý và thực thi quyền tác giả của Hàn Quốc. Một trong các phương hướng nổi bật có việc tăng cường tính minh bạch và chuyên môn của quản lý ủy thác quyền đó là xây dựng hệ thống thu phí, phân phối minh bạch của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMOs); việc mở rộng sử dụng tác phẩm công – sở hữu chung, tác phẩm thuộc về công chúng; việc xây dựng nền tảng sử dụng tác phẩm thuận tiện, việc thực hiện các biện pháp hữu hiệu nhằm đối phó các hành vi xâm phạm quyền tác giả và tăng cường bảo vệ, việc chuẩn bị xây dựng luật bản quyền trong thời đại kỹ thuật số. Với các phương hướng chính sách mà các bạn Hàn Quốc đưa ra sẽ là các kinh nghiệm để Việt Nam nghiên cứu cho việc quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam trong tương lai.
Đại diện cho cơ quan quản lý quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam, ông Quản Tuấn An, Trưởng phòng Quản lý quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam cũng nêu rõ hiện trạng và xu hướng thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Bài thuyết trình cũng đưa ra các phương thức bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam. Một trong các khác biệt về chế tài xử phạt ở Việt Nam so với Hàn Quốc là chế tài hành chính, được quy định cụ thể tại Luật Xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Đại diện cho phía các nhà cung cấp dịch vụ ở Hàn Quốc, tại Diễn đàn, Đài truyền hình KBS Media Hàn Quốc đã có bài phân tích cụ thể hiện trạng và xu hướng của ngành công nghiệp nội dung truyền hình tại Hàn Quốc. KBS là một trong các Đài truyền hình lớn ở Hàn Quốc, hiện nay KBS có 8 chi nhánh trong và ngoài nước và mạng lưới phân phối tại 70 quốc gia trên thế giới. Kết thúc phần thuyết trình, KBS nhấn mạnh sự hợp tác bảo vệ tác quyền nhằm tăng cường các trang web phân phối hợp pháp ở Việt Nam là điều cấp thiết cần thực hiện.
Đại diện cho phía các nhà cung cấp dịch vụ ở Việt Nam, bà Phạm Thanh Thủy, Phụ trách giám sát mảng chống hành vi xâm phạm bản quyền của Truyền hình số vệ tinh K+ cũng nêu rõ hiện trạng và xu hướng của ngành công nghiệp nội dung truyền hình của Việt Nam. Tại bài phát biểu, bà Thanh Thủy đã nêu ra các hành vi vi phạm bản quyền đang phổ biến tại Việt Nam. Từ đó, đưa ra các phương hướng bảo vệ bản quyền trong môi trường số tại Việt Nam.
Đại diện cho các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Hàn Quốc, ông Yoo Ki Sun, Hiệp hội Người biểu diễn Âm nhạc Hàn Quốc và phía Việt Nam, Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã nêu ra phương hướng và sự thay đổi của ngành công nghiệp âm nhạc tại từng quốc gia. Âm nhạc là lĩnh vực có quy mô rộng lớn, các năm gần đây, quy mô doanh thu tăng đều. Năm 2014, doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc tại Hàn Quốc đạt tới 4606 tỉ 882 triệu won. Tại Việt Nam, năm 2015, VCPMC đã thu được 3,1 triệu USD tiền tác quyền. VCPMC và KOMCA đều là thành viên của CISAC, cả hai đã ký kết các hợp đồng song phương ủy thác quyền cho nhau trong việc bảo vệ lợi ích của các tác giả theo quy định luật pháp của hai quốc gia trong lĩnh vực âm nhạc.
Diễn đàn diễn ra sôi nổi với các câu hỏi và câu trả lời của Hai bên. Các câu hỏi xoay quanh việc quy định biểu giá của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống lọc các tác phẩm vi phạm và kinh nghiệm từ phía Hàn Quốc về các vấn đề trên.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác đã nêu: “Diễn đàn Bản quyền Việt Nam-Hàn Quốc năm 2016 đã tạo điều kiện cho các bên trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm từ Hai quốc gia, hướng tới thực hiện có hiệu quả bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn quốc. Đây sẽ là cơ hội tốt để Chương trình hợp tác giữa Bộ VHTTDL Việt Nam và Bộ VHTTDL Hàn Quốc trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng thiết thực, hiệu quả và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác sử dụng các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả và các đối tượng được bảo hộ quyền liên quan, qua đó phát triển ngành công nghiệp văn hóa của hai quốc gia”.
Nguồn: COV
Cùng chuyên mục
- Ngày sách Việt Nam lần ba quyết loại sách 'nhảm'
- Thông điệp Ngày sở hữu trí tuệ thế giới năm 2015: Hãy thức tỉnh! Hãy hành động vì âm nhạc!
- Hơn 40 nước tham dự 'liên hoan văn chương' Việt Nam
- Lễ trao Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014
- Bộ sách 'Việt Nam danh tác': Phục hồi diện mạo thật của nguyên tác
- NXB Kim Đồng ra thư viện sách điện tử đúng nghĩa
- Chương trình Sách hè 2014 của NXB Kim Đồng
- Khai mạc Ngày hội sách và văn hóa đọc 2014 tại Hà Nội
- Hoạt động hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới 26 tháng 4 năm 2014
- Trao giải văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch