Người sáng tạo ra tác phẩm có quyền cho phép hoặc cấm sử dụng tác phẩm của mình. Điều đó có nghĩa việc quản lý và khai thác các quyền tác giả thuộc về các chủ thể quyền. Đó là chuẩn mực quốc tế, đồng thời luật pháp Việt Nam cũng đã quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế việc tự quản lý và khai thác các quyền của chủ sở hữu quyền ở một số lĩnh vực tỏ ra kém hiệu quả. Cá nhân các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không thể nào kiểm soát được hết việc các tác phẩm của mình được sử dụng tại những đâu, vào thời điểm nào, phục vụ cho những mục đích gì, đặc biệt khi tác phẩm được sử dụng ở nước ngoài. Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là quyền lợi chính đáng của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thường bị những người sử dụng thiếu ý thức cố tình xâm phạm hoặc có thực hiện nhưng không nghiêm túc.
Để khắc phục tình trạng này, các tổ chức quản lý tập thể về quyền tác giả đã ra đời. Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam là tổ chức quản lý tập thể về lĩnh vực văn học duy nhất tại Việt Nam. Thông qua các hợp đồng ủy quyền ký kết với VLCC, các tác giả thành viên có thể yên tâm dành thời gian và tâm huyết vào công việc sáng tác bởiVLCC sẽ là người đại diện cho các tác giả làm việc với đơn vị sử dụng tác phẩm, từ khâu đàm phán, ký kết hợp đồng cấp phép cho tới khâu theo dõi việc thực hiện hợp đồng, thu tiền bản quyền và sau đó phân phối tới tận tay các thành viên.