Kể về cuộc đấu tranh chống Pháp của những người dân tộc Bahnar, vậy nhưng Đất nước đứng lên (nhà văn Nguyên Ngọc) lại chưa bao giờ được đến với những người Bahnar bằng tiếng mẹ đẻ - cho dù cuốn tiểu thuyết này đã từng dịch ra các thứ tiếng Nhật, Anh, Trung... trong suốt 57 năm kể từ khi ra đời.

Tháng 4 năm nay, bản dịch song ngữ Bahnar- Việt của tác phẩm này sẽ ra mắt, nhân kỉ niệm 100 năm sinh của anh hùng Núp. Thể thao & Văn hóa trao đổi với ông Nguyễn Quang Tuệ- Ủy viên BCH Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Gia Lai, người trực tiếp phụ trách việc dịch và in tác phẩm này:

* Mọi chuyện được bắt đầu thế nào, thưa ông?

- Tôi say mê các tác phẩm của Nguyên Ngọc và đã từng có dịp gặp gỡ cả ông lẫn anh hùng Núp. Sống tại Gia Lai từ 1988 tới nay, tôi tiếp xúc và được hiểu về văn hóa, phong tục, con người Bahnar khá nhiều. Yêu quý họ, tôi lại càng mong những người dân Bahnar có dịp được đọc

Đất nước đứng lên

bằng tiếng mẹ đẻ của họ.

Một lần, lâu lâu rồi, khi gặp Nguyên Ngọc, tôi nói tới điều này. Ông cười, bảo: nhất trí thôi, nhưng ai làm? Tôi nhận làm, ông không nói gì cả. Tôi hiểu: là một dịch giả, ông biết việc ấy quá khó.

* Dịch tác phẩm tiếng Việt sang ngôn ngữ khác vẫn là điều khiến không ít biên dịch và chính tác giả đau đầu. Với trường hợp tiếng Bahnar thì sao?

- Tiếng nói, chữ viết Bahnar đang trong giai đoạn phát triển. Ngữ pháp khá đơn giản, vấn đề ở đây là từ vựng. Tiếng Việt của Nguyên Ngọc trong Đất nước đứng lên, mặc dù được viết lúc ông mới ngoài tuổi 20 nhưng rất uyển chuyển, nhuần nhuyễn, sâu sắc.

Ông Nguyễn Quang Tuệ (phải) và nhà văn Nguyên Ngọc

Ông Nguyễn Quang Tuệ (phải) và nhà văn Nguyên Ngọc

Bởi thế, có lẽ nhiều người khá bất ngờ khi người dịch cùng tôi là một giáo viên tiểu học, anh Y Phon. Vì phải là người Bahnar mới hiểu được lời ăn tiếng nói của chính dân tộc mình.

Chúng tôi bắt đầu công việc vào khoảng tháng 3/2012 và mất độ 2 năm để hoàn thành bản thảo. Công việc dịch khá vất vả, có nhiều đoạn, anh Y Phon đọc xong vài lần, vẫn không hiểu hết nghĩa. Lúc trực tiếp, khi qua điện thoại, tôi đành phải dịch tác phẩm ra một thứ tiếng Việt nôm na, mộc mạc hơn để anh hiểu cặn kẽ rồi chuyển ngữ. Quanh chúng tôi, luôn có hàng chục từ điển liên quan các loại, nhưng nhiều khi cũng bất lực, đành vào làng, tìm người già hỏi lại. Và nhiều khi hỏi cũng không xong. Từ điển Bahnar, kinh thánh, sách học chữ Bahnar đều được sử dụng làm căn cứ, nhưng giữa các tài liệu ấy cũng có nhiều điểm chưa thống nhất, buộc chúng tôi phải cân nhắc, lựa chọn.

* Cuốn sách sẽ có đời sống thế nào trong cộng đồng người Bahnar?

- Nhà văn Nguyên Ngọc vui khi biết đứa con của mình được in song ngữ. Ông có viết cho lần in này một lời giới thiệu ngắn gọn. Trong đó, ông gọi đây là “cuộc trở về đẹp đẽ”. Ông cho rằng, qua đây, ông đã trả được một chút trong cái món nợ lớn, suốt đời, đối với đồng bào Tây Nguyên của mình.

Tôi cũng hy vọng, ở những nơi được dạy và học song ngữ, trong các trường nội trú, học sinh Bahnar sẽ thích cuốn sách này. Chỉ có thể in độ 500 bản, nhưng tôi ước ao rằng, tất cả các làng Bahanr, tất cả các trường học có học sinh Bahnar ở Gia Lai đều được tặng dăm cuốn sách này.

Cuốn sách này được viết xong cuối năm 1955, cách nay đã 57 năm, đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng Đông Tây, nhưng lại chưa có bản tiếng Bahnar, tiếng nói của hầu hết các nhân vật mà tác giả đã cố gắng làm sống dậy trên mấy trăm trang sách. Không gì phản ánh chân thực, sống động và sâu sắc tâm hồn một dân tộc bằng ngôn ngữ của chính dân tộc ấy.….Cho nên bản dịch Đất nước đứng lên từ tiếng Việt sang tiếng Bahnar do ông Y Phon, giáo viên ở làng Kon Chră, xã Hơra, huyện Mang Yang, Gia Lai công phu thực hiện chính là trả tác phẩm trở lại cho cội nguồn, cho chất thơ nguyên thủy của nó, cho làng Stơr của anh hùng Núp (mà vì điều kiện đặc biệt thời chiến tranh đã được đổi tên thành làng Kông Hoa trong sách), cho bà con Bahnar và Tây Nguyên mà tác giả đời đời biết ơn, và luôn còn thấy mắc nợ.

Cám ơn dịch giả Y Phon, cám ơn tất cả những người tâm huyết đã vượt qua rất nhiều khó khăn để tạo nên được cuộc trở về đẹp đẽ này. Cám ơn cội nguồn của tôi. Và của tác phẩm.

(Nhà văn Nguyên Ngọc)