Nghiệp thơ của Vũ Đình Liên trong mắt công chúng dừng lại ở bài Ông đồ­ - một trong số những bài thơ hay nhất của Thơ Mới. Chính nhà thơ tự ngừng công bố vì suy nghĩ "thơ tôi không có giá trị gì".

Lễ kỷ niệm 100 năm nhà thơ Vũ Đình Liên diễn ra tại Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Nội sáng 12/12. Gia đình nhà thơ không có mặt nhưng đông đảo bạn văn hậu sinh đã đến dự.

Thơ cũng như hoa, nở có mùa

Nhà thơ Bằng Việt, một người thân thiết với gia đình Vũ Đình Liên, cho biết hiện người con Vũ Đình Quỳ của nhà thơ còn giữ 4.000 bài thơ của cha, chưa hề công bố. Ông Quỳ nhờ 2 người bạn là Bằng Việt và Vũ Quần Phương tuyển chọn và tập hợp các tác phẩm để in di cảo cho người cha quá cố.

Mặc dù vậy, chính nhà thơ Bằng Việt cũng chưa được đọc bài nào trong số 4.000 bài thơ này nên chưa thể nhận xét gì thêm về sự nghiệp thơ ca của Vũ Đình Liên.

Vũ Đình Liên tự nguyện đứng ngoài dòng chảy thơ ca chính, dù ông vẫn luôn làm thơ và luôn là người sống lãng mạn. Theo lời kể của nhà thơ Bằng Việt: "Những năm 1970, chúng tôi đến chơi nhà ông. Ông nói hiện giờ ông không đua kịp cảm xúc thơ ca của lớp trẻ nên chấp nhận đứng ngoài cuộc".

Vì suy nghĩ đó, ông hơi khép mình, không chỉ đứng ngoài thơ ca mà "suốt đời đứng bên ngoài văn học" – theo lời Bằng Việt – "thơ cũng như hoa, hoa nở có mùa, không thể nở quanh năm suốt tháng. Thơ hay cũng có thời, không thể gượng ép". Con người Vũ Đình Liên trong đời thường và trong sáng tạo có nhiều nét tương đồng như vậy.

 

Nhà thơ Vũ Đình Liên.

 

Nhà thơ của những người "thân tàn ma dại"

Ngoài bài thơ Ông đồ, ít ai biết Vũ Đình Liên còn có chùm thơ về người đàn bà điên gồm Người đàn bà điên ga Lưu Xá, Gặp lại người đàn bà điênNgười điên – Nàng điên. Ông cũng có một bài thơ tên là Thân tàn ma dại.

Các chủ đề về những con người nghèo khổ, tàn tạ, thuộc về một thời đã qua là lựa chọn chủ động của Vũ Đình Liên khi sáng tác, dù thơ ông được xếp vào phong trào Thơ Mới – nổi tiếng với những vần thơ ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ.

Chính ông tự nhận "Anh là thi sĩ của những người thân tàn ma dại". Theo GS Hà Minh Đức, việc tự nhận như vậy là hành động tự tin, có bản lĩnh.

Cũng chính Vũ Đình Liên có những quyết định quyết liệt với chính mình. Ông ngừng làm thơ từ năm 1936 và giải thích lý do trong bức thư gửi Hoài Thanh – tác giả Thi nhân Việt Nam – vào năm 1941: "Tôi có cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình" và "Cũng vì tin thơ tôi không còn chút giá trị".

Theo thethaovanhoa