Quá trình sáng tạo không thể mô tả bằng công thức toán học chính xác. Nó phụ thuộc vào năng lực, trực giác và kinh nghiệm của từng cá nhân. Trong mọi hoạt động đều có thể lập ra những quy tắc và chỉ dẫn để giúp ta tránh những sai lầm không đáng có, đạt được mục tiêu của mình, nhanh chóng nắm vững những bài học và kinh nghiệm của các bậc tiền bối vĩ đại. Dưới đây là lời khuyên của 4 nhà văn thực sự có uy tín: Làm thế nào để quá trình viết văn có được kết quả tối đa?

Henry Valentine Miller (1891-1980) – nhà văn, họa sỹ Mỹ. Khi viết cuốn Chí tuyến của ung nhọt (Tropic of Cancer- 1934), Henry Miller đã lập ra 11 điều răn của nhà văn và nếp sáng tác hằng ngày để giúp mình hoàn thành tiểu thuyết:

1. Khi chưa kết thúc việc này, đừng bắt đầu việc khác.

2. Đừng bắt đầu những cuốn sách mới, đừng thêm các chương vào “Mùa xuân ảm đạm” (một trong bộ ba tự truyện của Miller).

3. Đừng căng thẳng. Hãy làm việc bình tĩnh, vui vẻ và say sưa với những gì đã có.

4. Hãy làm theo chương trình, chứ đừng theo ngẫu hứng. Ngừng việc vào đúng thời gian ấn định!

5. Khi không thể sáng tác, có thể làm việc khác.

6. Mỗi ngày hãy cố gắng củng cố kết quả, chăm bón nền tảng thêm một chút.

7. Hãy như nhân quần! Gặp mọi người, dạo ngoài trời, ca hát nếu muốn thế.

8. Đừng như con ngựa thồ hàng nặng! Hãy làm với thái độ toại nguyện.

9. Hãy hủy chương trình đã vạch ra, nếu muốn, nhưng ngày hôm sau phải tuân thủ chương trình đó. Hãy tập trung cao độ. Hãy thu hẹp phạm vi hoạt động. Hãy loại bỏ những việc không cần thiết.

10. Hãy quên những cuốn sách muốn viết. Chỉ nghĩ đến cuốn đang viết.

11. Việc hàng đầu - viết liên tục. Hội họa, âm nhạc, bạn bè, điện ảnh – tất cả để lại sau.

Sáng: Nếu mệt mỏi – hãy viết ra và sắp xếp các ghi chú, cách này có thể khích lệ bạn. Nếu bình thường – hãy viết.

Ban ngày: Phần việc trước mắt – bám sát kế hoạch của phần việc đó. Đừng xao lãng, đừng cho phép mình bị xao lãng. Hãy viết khi chưa kết thúc phần việc đó.

Chiều tối: Hãy gặp gỡ bạn bè, đọc sách trong quán cà phê, ngắm nhìn những con phố lạ. Trời ẩm ướt – đi bộ, khô ráo – đi xe đạp. Hãy viết – nếu có cảm hứng, nhưng đừng quá say mê. Hãy vẽ nếu cảm thấy trống rỗng hay mệt mỏi. Hãy viết ra các ghi chú và kế hoạch. Chỉnh sửa chúng.

Ghi nhớ: Hãy dành chút thời gian trong ngày để thỉnh thoảng vào bảo tàng, vẽ bức phác thảo, và dạo bằng xe đạp. Hãy vẽ các phác thảo trong quán cà phê, trên tàu và trên phố. Bớt xem phim! Tra cứu ở thư viện mỗi tuần một lần.

 

John Ernst Steinbeck, Jr. (1902-1968) – nhà văn Mỹ có nhiều tác phẩm nổi tiếng toàn thế giới (Giải Pulitzer 1940. Giải Nobel văn học 1962). Trả lời phỏng vấn của tạp chí The Paris Review vào năm 1975, ông đã chia sẻ những bí mật sáng tác của mình:

1. Đừng quên suy nghĩ về một lúc nào đó sẽ kết thúc công việc của mình. Đừng nghĩ rằng phải viết tới 400 trang – đơn giản mỗi ngày viết một trang sẽ làm nên điều đó. Rồi có dịp bạn ngạc nhiên phát hiện ra mình đã hoàn thành công việc.

2. Hãy viết thoải mái và nhanh chóng theo khả năng để tất cả trải ra trên giấy. Đừng sửa và đừng viết lại khi chưa đặt dấu chấm. Viết lại khi đang viết thì chẳng khác gì vin cớ để công việc không tiến triển. Nó cũng cản trở dòng suy nghĩ tự do và tiến trình - chúng chỉ diễn ra khi làm việc vô thức với tư liệu.

3. Đừng quên bạn đọc. Thứ nhất, đám không bản sắc sẽ làm bạn sợ đến chết; thứ hai, họ chỉ tồn tại trong nhà hát, còn trong văn học thì không. Trong văn học, bạn đọc của anh – đó là một người đọc duy nhất. Tôi đi đến kết luận rằng đôi khi tốt nhất là chọn ai đó trong số những người quen hoặc nghĩ ra nhân vật tưởng tượng rồi viết cho người đó.

4. Nếu một đoạn hay chương chưa đạt và bạn cảm thấy có thể viết hay hơn – hãy để yên đó và viết tiếp. Khi nào kết thúc, có thể quay lại và sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân bạn chưa thỏa mãn chỉ là do phần viết đó nằm không đúng vị trí.

5. Hãy xử lý thận trọng những tình tiết đắt giá đối với trái tim bạn và bạn thích nhiều hơn so với những cảnh còn lại trong tác phẩm. Chúng thường không phù hợp với toàn bộ cốt truyện.

6. Khi viết đối thoại – hãy nói to nó ra. Chỉ khi đó nó mới là lời thoại thực sự.

 

Kurt Vonnegut, Jr. (1922-2007) – một trong những nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Ông có 8 lời khuyên về viết truyện hay thế nào:

1. Hãy sử dụng thời gian của bạn đọc mà bạn hoàn toàn không quen biết, sao cho người đó không một giây suy nghĩ rằng thời gian bị mất đi vô ích.

2. Hãy cho bạn đọc một nhân vật mà họ có thể liên hệ mình với nhân vật đó.

3. Mỗi nhân vật phải ham muốn cái gì đó – dù đó chỉ là một cốc nước.

4. Mỗi câu đều phải theo đuổi một trong những mục tiêu sau: hoặc làm rõ tính cách, hoặc phát triển hành động.

5. Hãy bắt đầu sát với đoạn mở nút nhất ở mức có thể.

6. Hãy là kẻ tàn bạo. Không quan trọng các nhân vật của bạn đáng yêu và vô tội thế nào – cứ để những chuyện bi đát xảy ra với họ. Khi đó các bạn đọc sẽ thấy những con người này thực sự là ai.

7. Hãy viết để thỏa mãn chỉ một người. Nếu bạn, như người ta vẫn nói, mở cửa và trao tình yêu của mình cho toàn thế giới, câu chuyện của bạn sẽ bị viêm phổi.

8. Trao cho bạn đọc nhiều thông tin ở dạng cô đọng nhất có thể. Vứt bỏ tình trạng hồi hộp đi! Bạn đọc cần hoàn toàn hiểu rõ chuyện gì đang diễn ra, và có đủ khả năng kết thúc câu chuyện mà không cần sự trợ giúp của bạn, kể cả khi lũ gián gặm sạch những trang cuối của sách.

 

Jack Kerouac (1922-1969) – một trong những nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất, được coi là đại diện tối cao của dòng văn học “Thế hệ bầm giập” (The Beat Generation). Cuốn Những định đề và kỹ thuật dành cho văn xuôi hiện đại (Belief & Technique For Modern Prose) của ông là sự suy ngẫm đích thực về văn học và cuộc sống nói chung. Một số nhà nghiên cứu khẳng định rằng, nhà thơ Irwin Allen Ginsberg (1926-1997) từng treo trong nhà “những định đề này” để khích lệ mình khi viết trường ca nổi tiếng Gào thét (Howl):

1. Hãy bí mật ghi chép bằng tốc ký hoặc đánh máy trong cơn cuồng si – để thỏa mãn riêng tư.

2. Đánh thức năng lực lĩnh hội mọi điều, khả năng khám phá, khao khát lắng nghe.

3. Không bao giờ uống say ở ngoài nhà.

4. Yêu quý cuộc sống của mình.

5. Mọi tình cảm sẽ tìm thấy lối ra và cách thức.

6. Theo nghĩa đen, nên tránh phương diện ngữ pháp và cú pháp.

7. Thuật lại câu chuyện có thật của thế giới bằng độc bạch nội tại.

8. Chấp nhận thiệt thòi – mãi mãi.

9. Tin vào diễn biến thiêng liêng của cuộc đời.

10. Gắng diễn đạt dòng tư duy đang sôi sục trong đầu.

11. Bạn – luôn là thiên tài.

Theo vanvn.net