Nguyên tắc của các thể loại báo chí là sự thật - sự thật là trên hết, là hàng đầu. Nói cách khác, nhà báo phải viết đúng. Không những thế còn phải viết trúng, viết hay.

Viết hay, viết hấp dẫn, viết truyền cảm “Để người cùng khóc cùng cười với ta” là cả một nghệ thuật, chứa đựng yếu tố văn. Đương nhiên bài báo hay phụ thuộc trước tiên vào sự kiện, vào vấn đề, vào tình tiết, vào cái cách khai thác tài liệu của tác giả. Nhưng, nó sẽ hay hơn, hấp dẫn hơn, lưu giữ và lan tỏa mạnh hơn nếu người sáng tạo ra nó lại dùng bút pháp văn học để chuyển tải. Cũng có người cho rằng, chỉ ở các thể loại báo chí như phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, ký chân dung mang tính thời sự và chân thật tới mức cao nhất…có sử dụng phương pháp miêu tả, trần thuật thì ngôn từ, bút pháp, giọng điệu mới cần đến chất văn…Điều này không sai, vì viết các thể loại trên phụ thuộc rất lớn vào công sức khám phá, khai thác tài liệu của nhà báo. Nhà báo sẽ tự nhàm chán với mình nếu chỉ nhăm nhăm vào các văn bản báo cáo – viết theo báo cáo. Tất nhiên là đúng, nhưng chẳng khi nào hay. Đó là thói lười nhác. Và, nếu cố làm cho hay thì cũng chỉ là sự bịa đặt, tán ngẫu, gán ghép những điều không có thực cho nhân vật, và nhân vật rồi sẽ lảng xa ta. Cho nên nhà báo chân chính không bao giờ lười nhác và cũng chẳng khi nào lừa dối người đọc bằng văn vẻ riêng có của mình..

Người đời rất thấu hiểu khi cho rằng: “ Báo chí và văn học luôn có sự giao thoa”! Sự giao thoa ấy trước hết ở cách diễn đạt. Cho dù chỉ là bản tin thông thường, tin ngắn, tin vắn, tin trần thuật hay tổng thuật thì cũng phải diễn đạt cho khoa học, cho văn hóa, có thế mới cuốn hút người đọc, người nghe, người xem, và mới có sức lan tỏa và lưu giữ lâu bền…

Hơn ai hết, nhà báo phải dấn mình vào cuộc sống thực tế, phải gặp gỡ nhân vật, quan sát sự việc, sự kiện để nắm chắc bản chất thật của vấn đề; động cơ của nhân vật, nắm cái diện mạo và nội tâm của nhân vật. Điều này phụ thuộc vào sức phát hiện của mỗi nhà báo và vào năng khiếu biểu đạt bằng tác phẩm báo chí của mình.

Ngày nay, làm báo trong xã hội phát triển, hội nhập rộng rãi với thế giới. Thuận lợi nhiều nhưng khó khăn, thách thức cũng không nhỏ. Bởi mặt bằng dân trí đã cao lên rất nhiều, người dân có đủ mọi phương tiện thông tin để đọc, để xem, để nghe, để nhìn và giải trí. Thông tin báo chí đa dạng, nhiều chiều; nếu không đúng, không hay, không bổ ích thì họ không nghe, không xem, không đọc. Cho nên viết đúng, viết trúng, viết hay đang là cả một vấn đề không riêng với người viết mà còn là chuyện đương nhiên của mỗi tòa soạn. Bằng không sẽ chỉ là sự ngộ nhận. Vì chưa thấy mấy nơi đâu để tâm chuyên sâu đến việc này.

Muốn báo có văn thì nhà báo phải có “phông” văn hóa. Và học cách viết có văn khi còn đang là nhà báo tập sự; phải đào tạo trước khi họ vào nghề, như lời tâm huyết của PGS-TS Ngô Văn Giá: “Cần trang bị cho người làm báo một cảm quan mỹ học, một cảm hứng mỹ học thường trực chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Nó phải được chuyển hóa vào trong các sản phẩm tinh anh và đẹp đẽ của mỗi người lao động, nhất là lao động chữ nghĩa của nhà báo”!

Theo vannghe.vn