Mục đích của tất cả những người cầm bút khi sản phẩm cuối cùng được hình thành là cuốn sách được đến tay bạn đọc và được bạn đọc đón nhận. Nói gì thì nói, những cuốn sách bán chạy, có số lượng in lên tới con số vạn bản, dù còn nhiều tranh cãi về giá trị nghệ thuật vẫn có sức hấp dẫn.
Thực tế ở giai đoạn hay thời nào cũng vậy, các cuốn sách bán chạy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong cách thức ra đời và tồn tại của các cuốn sách có lượng bản in ở mức trung bình thường thấy du di từ 1000-2000 cuốn. Không ồn ào tạo sóng, tạng sách nào, tác giả nào vẫn có độc giả ấy âm thầm tìm mua. Vì thế thị trường sách luôn đa dạng, phong phú. Các tác giả dù không phải là chủ nhân của những đầu sách bán chạy không vì thế mà không ra sách nữa.
Nhưng, thử đặt một giả thiết chung, nếu số lượng sách giảm, hoặc số lượng độc giả giảm thì người cầm bút sẽ làm gì?
Dường như không có một đáp án chung nào được người cầm bút thống nhất đưa ra. Quan điểm của các nhà văn rất khác nhau.
Đầu tiên là không phụ thuộc vào độc giả, không chiều độc giả. Họ cho rằng, viết, đầu tiên là để thoả mãn cái tôi, bất chấp khen - chê của độc giả. Viết là hi vọng sẽ mang đến những giá trị có tính lâu dài cho độc giả, chứ không phải giá trị thời cuộc, nhất thời. Việc của nhà văn là hoàn thành tác phẩm. Còn tác phẩm sau khi in thành sách rồi là việc của độc giả, đơn vị phát hành và các cửa hàng bán sách. Độc giả khen hay chê, chấp nhận hay không là quyền của độc giả.
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Đỗ Lai Thuý mới đây chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn đã đưa ra quan điểm rất thẳng thắn rằng: “Thậm chí, sách mình không trở thành best-seller thì đó là điều đáng mừng. Tôi nghĩ sách của các nhà nghiên cứu bao giờ cũng phải đi trước độc giả một bước, số người đọc của mình như thế sẽ phải ít đi. Giả dụ mình nhịp bước, đồng hành cùng các độc giả phổ thông, sách của mình có thể thành best-seller nhưng những sáng tạo đi trước độc giả về mặt học thuật lại không có. Trong tình trạng hiện nay tôi không mong muốn mình thành best-seller. Trên thế giới cũng vậy. Những sách có khám phá mới, phát hiện mới về học thuật, tức đi trước thời gian thì không bao giờ có thể trở thành sách bán chạy. Thậm chí, còn phải bỏ tiền riêng ra in để cống hiến cho bạn đọc. Đó là số phận được báo trước của khoa học”.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ, tại buổi ra mắt cuốn sách mới nhất của mình cũng cho biết: Khi khép lại những dòng cuối cùng của cuốn sách là công việc của tôi đã kết thúc. Việc khen hay chê là của độc giả. Kể cả tất cả độc giả đọc sách của tôi đều chê, tôi cũng chấp nhận.
Quan điểm của nhà văn Đỗ Bích Thuý, nghe có vẻ mềm mỏng hơn, nhưng cũng không nằm ngoài việc bị tác động bởi độc giả: “Với tôi, có một nhóm độc giả nhỏ chung thủy là may mắn rồi. Chẳng có nhà văn nào làm vừa lòng tất cả bạn đọc, kể cả những nhà văn viết ra những cuốn được gọi là best-seller".
Tuy nhiên, bên cạnh các nhà văn có quan điểm cầm bút không phụ thuộc vào độc giả, còn có khá nhiều nhà văn xem độc giả là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định cho việc “thay đổi” hay “giữ nguyên” phong cách, thể loại… ở các tác phẩm sau để “chiều” độc giả. Nhà văn Di Li là một ví dụ. Chị từng nói: “Nếu một ngày nào đó độc giả dừng đọc sách của tôi, ngày đó tôi sẽ dừng viết”. Chưa dừng lại ở đó, hai tập truyện ngắn San hô đỏ và Tháp Babel trên đỉnh thác Ánh trăng được tác giả “ý thức” “có nhiều thay đổi trong bút pháp và tư duy”… Thế nhưng, khi tung ra thị trường, kết quả thu về, lượng sách bán ra chỉ đạt ở mức trung bình, so với các tác phẩm khác của chị thì thấp hơn nhiều. Và nhà văn phỏng đoán: Do thị trường, do viết ngắn độc giả không thích, độc giả thích chuyện ly kỳ, giật gân, ướt át. Công chúng nhạt truyện ngắn của tôi thì tôi dừng. Nhưng các thể loại khác tôi viết vẫn bán tốt. Nếu sau này cũng bán chậm nữa thì tôi bỏ bút không viết.
Nhà văn Dương Thuỵ, người sở hữu nhiều đầu sách bán chạy, dù có không ít người chê các cuốn sách đó nhưng dường như số lượng phát hành và những lần tái bản vẫn là một con số đẹp, đáng mơ ước của người cầm bút, minh chứng cho lượng độc giả yêu thích lấn át. Vì thế, Dương Thuỵ không ngại ngần chia sẻ: “Tôi hướng đến mấy chục ngàn độc giả đang ủng hộ mình. Còn một người tìm đọc sách của tôi, tôi còn viết”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng khiến nhiều người khá bất ngờ khi chị cho biết điều quan tâm nhất khi cầm bút viết là “Cái này bán được bao nhiêu tiền”. Lý giải thêm lý do này, nhà văn của Cánh đồng bất tận hé lộ quan điểm: “Viết và sống được bằng nghề cực kỳ quan trọng. Tôi còn quãng đời phía trước và trách nhiệm với đám con mình”. Mối quan tâm đó sẽ khiến nhà văn xử lý các tình huống nhân vật trong từng tác phẩm và tự dặn mình phải chăm chỉ viết để tạo dựng mối quan hệ giữa độc giả - tác giả - tác phẩm.
Chưa kể, cách đây vài năm, khi internet đã trở thành tiện ích cho người cầm bút, trào lưu văn học mạng xuất hiện. Một số người đưa sáng tác của mình lên mạng. Độc giả vừa có thể đọc sản phẩm mới ra lò còn nóng hổi của tác giả, lại vừa có thể góp ý, nếu thấy chỗ này không hợp, cái kết không vừa lòng… Đã có một số tác phẩm sau khi chấm dứt đời sống trên không gian ảo, trở thành sách in đã được tác giả tiết lộ có những chỗ thay đổi vì được độc giả góp ý, gợi ý.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, có một vài trường hợp nhà văn không phải vì chiều độc giả, chạy theo thị hiếu số đông mà lượng tác phẩm xuất bản vẫn nhiều. Thứ nhất, đó là những tác giả lý tưởng, tác phẩm vừa hay lại vừa có nhiều người đọc. Thứ hai là tác giả có tạng viết phù hợp với số đông độc giả ngay từ khi cầm bút xuất phát và họ cứ trung thành với cách viết cả đời như thế...
Như vậy có thể thấy, với mỗi người cầm bút, độc giả lại có một vị trí khác nhau. Có người phụ thuộc vào độc giả, coi độc giả là trung tâm. Có người coi trọng độc giả ở số lượng. Lại có người coi trọng độc giả ở chất lượng, sự bền bỉ, lâu dài dù số lượng vô cùng khiêm tốn. Và chắc hẳn cũng không có quan điểm nào là tuyệt đối, là chiêu thức lý tưởng để tất cả nhà văn áp dụng, hướng tới như một cái đích. Điều này đúng thôi, bởi mỗi nhà văn có một hoàn cảnh sống khác nhau, và quan niệm văn chương cũng khác nhau. Hơn nữa, quan điểm sống, quan niệm văn chương ở từng giai đoạn, từng thời kỳ cũng có sự thay đổi. Chẳng hạn, cũng là một người cầm bút, nhưng ở giai đoạn tuổi trẻ, mới xuất hiện họ cần chiều độc giả để nhiều người biết đến mình. Họ cần phải sống bằng ngòi bút của mình nên phải viết theo xu hướng của số đông… Sự tính toán này cũng rất bình thường. Nhưng đến một giai đoạn nào đó, đến một độ tuổi nào đó, khi danh tiếng đã có, tiền bạc cũng không phải là gánh nặng thì việc nhà văn đặt bút viết sẽ bớt, hoặc không còn phụ thuộc vào độc giả.
Nhưng như thế không có nghĩa, độc giả không giữ vai trò nào đó đối với nhà văn. Cho dù một người khó tính hay dễ tính đến mấy, cho dù quan niệm về văn chương và độc giả thế nào thì họ vẫn quan tâm đến phản hồi của độc giả ở nhiều mức độ khác nhau… Phản hồi của độc giả chưa cần biết tác động hay không đến những sáng tác sau này của nhà văn nhưng ít nhiều đó là những đánh giá khách quan, là một kênh tham khảo cho tác giả.
Theo tapchinhavan.vn
Cùng chuyên mục
- Tiếng nói nhà văn: Bản quyền và lòng tự trọng
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỹ là nước dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất thế giới
- Cuộc chiến tưởng tượng' giữa sách in và sách số
- 'Chênh vênh' nghề dịch thuật
- Văn hóa Việt Nam qua hai lần “Âu hóa”
- Nhà báo và lao động chữ nghĩa
- Viết văn cũng cần phải học
- Hiến pháp & vấn đề bản quyền
- Nhà văn và văn hóa tranh luận