Nhà văn là người tích cực sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp với mọi người trong tác phẩm và trong đời sống. Trong tác phẩm của nhà văn có đủ mọi hạng người, và nhà văn càng hiểu biết ngôn ngữ, kể cả tiếng lóng nghề nghiệp của nhân vật thì sự miêu tả càng sinh động, hấp dẫn. Trong phạm vi mấy ý kiến nhỏ này, tôi chỉ đề cập ngôn ngữ trong đời thường của các nhà văn, đặc biệt là ngôn ngữ khi thảo luận, tranh cãi với đồng nghiệp hay bạn đọc.

Về ngôn ngữ đời thường, không ít các nhà văn ăn nói nhẹ nhàng, cẩn trọng và hầu như khác hẳn với ngôn ngữ văn chương trong tác phẩm. Nghĩa là bạn không thể nào nhận ra họ là nhà văn, bởi sự khiêm tốn, khiêm nhường và giản dị. Theo tôi đấy là sự khiêm nhường, giản dị của một người có văn hóa cao. Nhưng có một số ít nhà văn, kể cả nhà văn trẻ, hình như muốn tạo ấn tượng với mọi người rằng tôi là nhà văn đây. Và là nhà văn, một nghệ sĩ ngôn từ thì tôi có “quyền” ăn nói thoải mái, phóng túng. Bởi vậy mà họ nói tục “tự nhiên như ruồi”. Họ gọi đồng nghiệp là thằng, là con, con mụ ấy... một cách thoải mái. Họ oang oang, lớn tiếng bình luận về người khác và sử dụng tất cả những ngôn ngữ không đẹp đẽ chút nào để thể hiện thái độ của mình... Tôi còn nhớ một lần trên mạng đọc bài tường thuật về trao đổi xung quanh cuốn sách sex nào đó, người viết đã “gỡ băng ghi âm” những ý kiến của một số nhà văn... Có thể một vài người khi đó có tí men kích thích, nhưng quả tình nói năng như thế trong một buổi họp mặt trước đông đảo công chúng thì thật khó chấp nhận. Những ý kiến bình luận của người đọc ở dưới bài viết đó cho thấy công chúng phản ứng mạnh mẽ kiểu nói năng xô bồ, thiếu hàm lượng văn hóa và lịch sự của những người làm văn chương vốn mặc nhiên được xã hội thừa nhận là “tao nhân mặc khách”.

Nhân đây, xin nói về các ý kiến bình luận trên các trang mạng (comment) mà chúng ta thường gọi ngắn gọn là CòM. Không hiếm nhà văn có các trang Web hay FB hoặc Blog riêng. Nhiều bạn đọc và cả nhà văn đã tham gia phần còm. Thú thật, trước mỗi vấn đề mà nhiều người bình luận, tranh luận, tôi rất hứng thú đọc phần còm. Có các nhà văn ghi rõ họ tên và chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình. Nhưng tôi biết có nhiều người ẩn đằng sau những “nickname” để nói ra những điều khá chối tai, nhân đó “xỉa” vào bạn bè, đồng nghiệp mà anh ta không ưa. Và cũng không hiếm những người nấp sau những cái tên ảo đó để bình “loạn”. Tôi nghĩ đó cũng là một việc làm không đàng hoàng, không văn hóa, không xứng đáng với danh hiệu và nhân cách nhà văn.

Bây giờ xin nói đôi chút về văn hóa trong tranh luận của các nhà văn chúng ta. Thật ra tranh luận về học thuật, về văn chương thì không phải đến bây giờ mới có. Ngày xưa các cụ đã tranh luận rồi. Nhưng các cụ tuy tranh luận nảy lửa, song lời lẽ vẫn ôn tồn, xưng hô đúng mực, thể hiện khá rõ đó là những người có học nói chuyện với nhau... Nhưng còn các cuộc tranh luận sau này mà tôi được chứng kiến thì phần lớn thiếu đi điều đó. Nguyên nhân cơ bản, theo thiển ý của tôi, là sự “cả giận mất khôn”, và thú thực là đã có không ít trường hợp người tranh luận trước đó tôi vốn cũng có chút cảm tình, nhưng sau khi đọc bài viết của anh trên mạng thì những cảm tình không còn nữa. Thay vào đó là một nỗi buồn về văn hóa tranh luận...

Người xưa tổng kết “văn nhân tương khinh”, với ý người văn thường khinh nhau. Quả thật người làm văn chương vốn có cá tính và sự tự tin rất mạnh, nên nếu có sự không phục nhau âu cũng là một lẽ thường. Nhưng không phục là để anh phấn đấu vươn lên cho bằng hoặc vượt người khác, chứ không phải không phục là đồng nghĩa với khinh thường, ghen ghét, đố kỵ hay bài xích. Có nhà văn quan niệm một cách rất hồn nhiên và ấu trĩ, rằng cạnh tranh trong văn chương là cạnh tranh khốc liệt, là cá lớn nuốt cá bé... Quan niệm như vậy nên anh ta coi thường đồng nghiệp, nói năng bất cẩn cũng là tất nhiên. Theo thiển nghĩ của tôi, văn chương như một bàn tiệc tinh thần mà các nhà văn đem đến cho công chúng. Tất nhiên, nhà văn lớn, tài cao thì có thể đem đến những món cao cấp, đắt tiền trong mâm cỗ đó, còn những người khác thì cũng có thể chỉ góp vào đó chút rau thơm, lát chanh, quả ớt... Nhưng chắc rằng thiếu những thứ đó, mâm cỗ văn chương kia sẽ kém đi giá trị rất nhiều. Người ta sẽ ngấy khi luôn luôn chỉ dùng một hai món đắt tiền. Bởi vậy, làm gì có kiểu quan hệ nhà văn với nhà văn theo kiểu cá lớn nuốt cá bé! Đất văn chương mênh mông, không thiếu gì chỗ cho anh bộc lộ tài năng, và mỗi người tùy vào văn tài, sẽ góp một phần nhỏ của mình vào đó, hà cớ gì phải bài xích, dèm pha nhau?... Mỗi nhà văn đều hiểu thấu sự vất vả nhọc nhằn của nghề nghiệp, biết rõ sự khắc nghiệt của thời gian càng phải thương yêu, kính trọng nhau hơn. Vâng! Thương yêu, quý trọng nhau chính là cái gốc quyết định tính chất văn hóa của những lời trao đổi. Khi cầm bút nhà văn thận trọng thế nào, thì khi phát ngôn, nhất là phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng phải thận trọng, cân nhắc chi li như thế; bởi vì bạn đọc đang nhìn vào anh với tư cách một nhà văn, một người có văn hóa. Và đấy cũng là một cách góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa chung của chúng ta. Mà đó cũng là một trong các thiên chức của mỗi nhà văn.

 Theo vanvn.net