Trong bối cảnh năm 1992, quan niệm về bản quyền của Việt Nam còn hết sức sơ khai, chính vì vậy, cũng là dễ hiểu khi các điều 141, 142, 143 của Hiến pháp 1992 chỉ mô tả về tác phẩm được lựa chọn là Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chứ không đề tên tác giả; và sự mô tả đó cũng chưa đầy đủ, không kèm theo mẫu chuẩn.
Trong khi đó Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca là những tác phẩm đồ họa hay âm nhạc cụ thể do đó có người sáng tác (dù có thể là Khuyết danh) và có tính duy nhất. Do đó bên cạnh sự mô tả bằng lời, cần đính kèm theo tác phẩm. Trong đó, mẫu chuẩn tác phẩm đồ họa Quốc huy là quan trọng nhất vì bây giờ đang có quá nhiều phiên bản (tình trạng "loạn" mẫu Quốc huy thì cả trên báo chí lẫn diễn đàn Quốc hội đều đã nói). Quốc ca cũng cần có bản ký âm chuẩn, thậm chí cả bản thu âm chuẩn.
Ngày nay, trên toàn thế giới, các quyền tác giả rất được coi trọng, trong đó, quyền nhân thân (cụ thể là được đề tên vào tác phẩm) phải được coi là quyền bất khả xâm phạm. Nhà nước cần thể hiện sự tôn trọng đó từ trong văn bản Hiến pháp. Đó không chỉ là sự tôn trọng, sự vinh danh đối với các tác giả, mà còn giúp cho việc "nhận diện" tác phẩm được chọn (Chẳng hạn: Rất có thể tồn tại một vài bản nhạc Đông, Tây, kim cổ vô tình trùng tiêu đề "Tiến quân ca", nhưng bài "Tiến quân ca" của nhạc sĩ Văn Cao thì chỉ có một và đó mới là Quốc ca theo quy định của Hiến pháp. Tương tự, bất kỳ ai cũng có thể vẽ những hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh... (theo mô tả về Quốc huy dưới đây), nhưng chỉ duy nhất có tác phẩm đồ họa của Bùi Trang Chước – Trần Văn Cẩn mới là mẫu Quốc huy).
Chính vì vậy, điều điều 13 của Dự thảo Hiến pháp mới không nên ghép và giữ nguyên các điều 141, 142, 143 của Hiến pháp 1992 liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca mà nên sửa đổi theo hướng bổ sung thêm tác giả, hoặc chỉ rõ xuất xứ của tác phẩm. Quốc huy đã có kết luận là của hai họa sĩ Bùi Trang Chước - Trần Văn Cẩn; còn Tiến quân ca là của nhạc sĩ Văn Cao. Quốc kỳ còn đang tranh cãi (có phải của ông Nguyễn Hữu Tiến không?), trong trường hợp này, các cơ quan hữu quan có thể tiến hành xác minh một cách bài bản, hoặc ghi là "Khuyết danh", nhưng có chú rõ về xuất xứ thời gian, địa điểm ra đời: chẳng hạn "ra đời từ khởi nghĩa Nam kỳ 1940".
----------
(*) Dự thảo điều 13 của Hiến pháp mới như sau:
Điều 13 (ghép và giữ nguyên các điều 141, 142, 143, sửa đổi, bổ sung Điều 145)
1. Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Quốc ca nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.
Đỗ Doãn Phương - Theo vanvn.net
Cùng chuyên mục
- Tiếng nói nhà văn: Bản quyền và lòng tự trọng
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỹ là nước dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất thế giới
- Cuộc chiến tưởng tượng' giữa sách in và sách số
- 'Chênh vênh' nghề dịch thuật
- Độc giả, động lực để nhà văn cầm bút?
- Văn hóa Việt Nam qua hai lần “Âu hóa”
- Nhà báo và lao động chữ nghĩa
- Viết văn cũng cần phải học
- Nhà văn và văn hóa tranh luận