Ở Gia Lai, có một ông họa sĩ già và... nghèo, là niềm tự hào của Tây Nguyên vì là người Bahnar đầu tiên hai khóa liền là ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, là thầy của nhiều thế hệ họa sĩ Tây Nguyên, có nhiều tranh được các bảo tàng lớn lưu trữ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đã mất cách đây chừng chục năm, nhưng tranh của ông cũng bị nhiều nơi trong tỉnh chép vô tội vạ mà hoàn toàn không có ý thức về bản quyền. Tất nhiên là họa sĩ đã mất rồi, nhưng vẫn còn gia đình ông, đang sống rất nghèo ở dưới làng. Hiện tranh chép của ông đang được bày ở khá nhiều công sở to oành trong tỉnh.
Nhiều vụ xâm phạm bản quyền đình đám đã xảy ra, mới nhất là vụ VTV lấy clip của anh Tuấn ở Quảng Trị phát trên sóng truyền hình quốc gia mà không xin phép, khi có thư yêu cầu thì đùn đẩy chứ không... xin lỗi.
Và trong báo chí, không chỉ có VTV.
Phổ biến bây giờ là, các trang báo mạng lấy bài của báo khác, dẫn về trang mình và chỉ đề phía dưới là “theo báo ABC” mà lờ tên tác giả đi. Chỉ cần hai lần “theo” như thế là vĩnh viễn mất tên tác giả, sau này tác giả phát hiện mà đi chứng minh đấy là đứa con của mình thì cũng bở hơi tai...
Nên nhớ, ngay trên facebook, những người lịch sự khi thấy một bài thơ, một đoạn văn hoặc một bài báo hay của một người khác mà mình muốn lấy về nhà mình, đều comment phía dưới hoặc inbox xin phép tác giả cho share (chia sẻ), và đợi khi tác giả recom hoặc bấm like thì mới share, huống gì là các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử.
Tôi cũng nhiều lần bị copy vô tội vạ mất tên tác giả, nhiều lần cũng tốn khá nhiều công sức chỉ để yêu cầu: Phải ghi tên tác giả vào trước khi đề là “theo” báo nào đấy, chứ còn nhuận bút thì... quên đi.
Mới nhất nữa, lại nghe nói Vinataba đề xuất cấm nhập khẩu thuốc Jet và Hero để họ sẽ tự sản xuất thuốc cũng mang nhãn Jet và Hero. Trời ơi nghe mà muốn dựng tóc gáy. Ăn cắp bản quyền trong nhà với nhau còn có thể dày mặt mà du di, mà lờ tịt đi, chứ lại xâm phạm cả bản quyền của nước ngoài đã bảo chứng quốc tế thì quả là... to gan lớn mật kiểu Việt Nam.
Ăn cắp bản quyền nó xuất phát từ thói háo danh và háo lợi. Ăn cắp bài thơ, câu thơ... đăng lên facebook, thậm chí đăng báo, có thể là háo danh (vì nếu in báo thì nhuận bút bài thơ cũng không đáng để đánh đổi danh dự nếu chỉ vì tiền). Nhưng ăn cắp bài báo chẳng hạn, thì nó vừa danh vừa lợi, bởi nó có cả tiền và sự hào nhoáng. Còn định lấy tên Jet và Hero để làm tên thuốc lá của mình thì rõ là hám lợi, thấy người ta bán được bèn... cấm người ta bán và mình sản xuất ra đúng loại của người ta.
Thế mà cũng đề xuất được thì... kinh hoàng thật.
Là nói những thứ ngay bên cạnh chúng ta đây, và liên quan ngay đến người viết bài này, chứ còn nhiều lắm, cái sự bản quyền ấy. Và nó không thể là ngày một ngày hai, mà là cuộc chiến đấu dài ngày. Nó, một mặt phải điều chỉnh bằng luật, rất cụ thể, và 2, là lòng tự trọng, nhân cách của con người. Món này thì... hơi căng...
Ngay hôm nay, trên facebook cũng có nhà báo thậm chí cả một nhà nghiên cứu phê bình văn học đang tố bị ăn cắp bài...
Văn Công Hùng - Theo vanvn.net
Cùng chuyên mục
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Mỹ là nước dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam nhất thế giới
- Cuộc chiến tưởng tượng' giữa sách in và sách số
- 'Chênh vênh' nghề dịch thuật
- Độc giả, động lực để nhà văn cầm bút?
- Văn hóa Việt Nam qua hai lần “Âu hóa”
- Nhà báo và lao động chữ nghĩa
- Viết văn cũng cần phải học
- Hiến pháp & vấn đề bản quyền
- Nhà văn và văn hóa tranh luận