Trong vài năm qua, những cuốn sách thiếu nhi có nội dung người lớn, chi tiết phản cảm, thoại hay hình minh họa dung tục được xuất bản và phát hành rộng rãi trên thị trường sách Việt Nam đã gây bức xúc đối với đọc giả nói chung, phụ huynh học sinh nói riêng, và trong số đó, đáng lưu ý là những cuốn truyện cổ tích có nội dung bị thêm bớt, thậm chí biến tướng, mà gần đây nhất là “Thạch Sanh” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành quý 4 năm 2014. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã dùng từ “ghê rợn”, “thô lậu” để nói về vụ việc “Thạch Sanh” này.

PV: Trước đây, đã có lần người ta tranh cãi về kết thúc của truyện cổ tích Tấm Cám, rằng- cái kết cô Tấm làm mắm cô Cám và gửi cho mẹ cô Cám như trong bản gốc là quá dã man, không nhân văn, và nên cắt bỏ cho hợp với văn hóa của ngày hôm nay. Theo quan điểm của chị, việc sửa lại truyện cổ tích cho phù hợp với thời hiện đại là nên hay không nên?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Việc thêm hay bớt, biên tập lại những câu chuyện cổ tích hoàn toàn nên làm nếu điều đó đưa đến cho trẻ em một thế giới nhân văn trong sáng, ấm áp tình người và những thần tượng. Ví dụ việc sửa lại truyện Tấm cám là đúng. Nhưng thêm mới những tình tiết ghê rợn và thô lậu như truyện Thạch Sanh thì không. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của người làm sách.

"Thậm chí con trẻ thuộc làu làu những câu chuyện đó nhưng vẫn muốn nghe lại, người lớn chả may kể sót là bị nhắc nhở ngay, đủ thấy sự ám ảnh của thế giới với những nhân vật huyền thoại, những bài học quý với các con lớn lao đẹp đẽ thế nào"

 PV: Câu truyện Thạch Sanh trong cuốn Truyện cổ tích VN mới tái bản của NXB Kim Đồng vừa gây xôn xao dư luận với những phần thêm thắt chuyện mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con trước khi tắt thở và truyện trăn tinh bị chém “phọt óc chết tươi”... Quan điểm của chị về những đoạn thêm thắt, "chế biến" này?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Trong mỗi gia đình, thường là ông bà, cha mẹ và cô dì chú bác luôn đọc và kể đi kể lại cho các con, cháu những câu chuyện cổ tích. Thậm chí con trẻ thuộc làu làu những câu chuyện đó nhưng vẫn muốn nghe lại, người lớn chả may kể sót là bị nhắc nhở ngay, đủ thấy sự ám ảnh của thế giới với những nhân vật huyền thoại, những bài học quý với các con lớn lao đẹp đẽ thế nào.

Thử hình dung ra một ông bố kể cho đứa con 5 tuổi đến đoạn Thạch Sanh chém phọt óc trăn tinh, con sẽ tròn mắt và hỏi: phọt óc là thế nào? Người bố có dám trợn mắt hung hãn mô tả cụ thể cái sự phọt óc đấy hay không? Hay là đoạn bà mẹ phải cởi nốt cái quần duy nhất trên người, ông bố sẽ minh họa kiểu gì? Tôi nghĩ, người lớn khi đọc đến những đoạn man rợ và thô lậu đó sẽ lướt qua và tùy vào sự tưởng tượng của từng người mà biến báo đi. Nhưng chỉ là với những em chưa biết chữ. Với những em tự đọc được thì sao nhỉ?

Việc thêm thắt biến tướng này là không thể chấp nhận. Và quay lại vấn đề, mỗi gia đình hãy tự bảo vệ thế giới trong sáng nhân bản của con cháu mình trước những sản phẩm độc hại về tinh thần ngày càng phát triển, biến tướng không ngừng tiếp cận các con dưới mọi hình thức.

"Và quay lại vấn đề, mỗi gia đình hãy tự bảo vệ thế giới trong sáng nhân bản của con cháu mình trước những sản phẩm độc hại về tinh thần ngày càng phát triển, biến tướng không ngừng tiếp cận các con dưới mọi hình thức"

PV: Truyện cổ tích nằm trong dòng Văn học dân gian đã từng là chủ điểm gây tranh cãi rất nhiều lần khi tái bản. Hầu hết các truyện dân gian được tái bản đều đã được "pha chế", "thêm thắt" rất lạ lẫm. Văn học dân gian với đặc trưng là văn học truyền miệng, là sản phẩm của cộng đồng... Liệu, có phải vì thế, mà những "biến thể" của nó dù ở dạng nào, (dã man hay nhân văn) cũng đều được chấp nhận không, theo chị?

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Tôi đồng ý với việc thời gian trôi đi, những câu chuyện được thêm bớt tùy theo trí tưởng tượng, sự hóm hỉnh của người kể. Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn với những ranh giới không được bước qua. Người kể có thể tung hứng thêm bớt, nhưng người biên tập phải giữ nguyên tắc là với các em, ở độ tuổi luôn tin những câu chuyện cổ tích là thật, là gần và có những thời điểm các em sống cùng những nhân vật, không gian thời gian đó.

Gần như những cô bé đểu ước hay nghĩ mình công chúa, yêu màu hồng của những chiếc nơ, đôi giày, cái mũ. Các cậu bé thấy mình có sức mạnh của hoàng tử, với những hành động dũng cảm… Một thế giới thực, ảo với con trẻ khi chúng bắt đầu nhận biết thế giới phải mang tính nhân văn, nhân bản, trong sáng. Đấy là nguyên tắc. Có thể có những câu chuyện về nối thống khổ, về những thân phận kém may mắn, nhưng tuyệt đối không lệch lạc đi quá giới hạn như những ví dụ trên.