“Các nhà làm sách đừng tưởng in một lần xong rồi các lần sau cứ lấy bản thảo trong kho in tiếp là được” – ý kiến của ông Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Văn học (VLCC).
Hôm 23/3, Thethaovanhoa.vn phản ánh việc bộ sách mới tái bản Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi (Công ty Phương Nam và Hoa Học Trò) bị tố vi phạm tác quyền. Sau đó, phía làm sách, Trung tâm Khai thác Bản quyền & Xuất bản, phản hồi cho biết họ “sẽ trả nhuận bút sau khi kết toán”.
Thethaovanhoa.vn trao đổi với ông Đỗ Hàn, Phó Giám đốc VLCC, về vụ việc này. Trung tâm này là tổ chức của các tác giả văn học thành lập để quản lý quyền lợi của họ theo quy định của pháp luật.
* Trung tâm bảo vệ quyền tác giả văn học có bình luận gì về vụ tranh cãi xung quanh tác quyền bộ sách Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi?
- Chúng tôi luôn giữ quan điểm ủng hộ các tác giả đòi quyền lợi của mình đối với tác phẩm, đồng thời, kiên quyết phản đối mọi hành vi vi phạm quyền tác giả và không tôn trọng tác giả văn học.
Nhà thơ Đỗ Hàn trong một hội thảo về quyền tác giả văn học
* Cụ thể trong trường hợp này, bên nào có lý, phía tác giả hay nhà làm sách?
- Phía Trung tâm Khai thác Bản quyền & Xuất bản của báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò không thể để các tác giả lên tiếng trên mạng, trên báo chí khiến dư luận tranh cãi rồi mới phản hồi là "sẽ trả nhuận bút". Trái lại, trước khi làm sách, họ phải liên hệ và đến gặp trực tiếp tác giả hỏi ý kiến, nếu được tác giả đồng ý mới được in sách và phải sử dụng bản thảo mà tác giả đồng ý chứ không phải dựa trên bản thảo cũ đã đăng báo.
Mặc dù vậy, rất tiếc là các tác giả trong bộ sách Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi đều chưa ủy quyền cho trung tâm của chúng tôi bảo vệ quyền tác giả của họ.
Bìa tập một bộ sách Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi mới tái bản
* Trả lời Thethaovanhoa.vn, nhà văn Trang Hạ nói đến "quyền của tác phẩm", nghĩa là in nguyên vẹn và đảm bảo giữ được cá tính, thông điệp của tác giả khi in sách. Điều này có được luật bảo vệ?
- Chính xác "quyền của tác phẩm" mà Trang Hạ nói chính là “quyền công bố tác phẩm” đã được quy định trong Luật Sở hữu Trí tuệ. Các nhà làm sách đừng tưởng in một lần xong rồi các lần sau cứ lấy bản thảo trong kho in tiếp là được. Nếu tác giả không muốn sử dụng bản in đó nữa thì họ có quyền không đồng ý. Nếu vậy, nhà làm sách phải chấp nhận. Vì nếu chỉnh sửa tác phẩm quá nhiều thì không còn là tác phẩm đó nữa, tác giả có quyền từ chối in.
Còn bản in trên báo, do báo biên tập và chỉnh sửa, chỉ có giá trị trong lần in đó thôi.
Theo thethaovanhoa.vn
Tư liệu khác
- "Vất vả" bản quyền sách
- Bảo vệ bản quyền: “một mình chống lại mafia”
- Truyện cổ tích Thạch Sanh đã bị “biến tướng” quá thô lậu, ghê rợn
- Dấu ấn bản quyền
- Tác quyền văn học trong SGK: Nhà xuất bản đã trả cho ai?
- Nhà xuất bản Giáo dục hai lần không trung thực
- NXB Văn hóa Thông tin: 60 đầu sách sai phạm trong năm, có từ điển Vũ Chất
- Gia đình Ngô Tất Tố kêu về quyền nhân thân
- Về bản quyền tác giả sách giáo khoa: Các nhà văn bức xúc với NXB Giáo dục
- Nan giải bản quyền tác giả trong sách giáo khoa