Vấn đề bản quyền tác giả trong sách giáo khoa (SGK) vẫn chưa thể kết thúc khi Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) và NXB Giáo dục GD) Việt Nam vẫn chưa tìm được sự thống nhất trong cách tính tiền để trả cho các tác giả.
Ngày 5.12 vừa qua, VLCC tiếp tục có cuộc họp với NXBGD về vấn đề này, nhưng cũng chỉ thông qua được một số vấn đề mang tính nguyên tắc.
Dự kiến ngày 9.12 tới, trong cuộc hội thảo về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học do Hội Nhà văn và VCLL tổ chức, câu chuyện quyền tác giả trong SGK sẽ được đề cập.
Ngỡ ngàng vì cách tính tiền của NXBGD
Trách nhiệm của NXBGD đối với các tác giả có tác phẩm in trong SGK đã được Lao Động đề cập trong loạt bài “Sách giáo khoa cũng vi phạm tác quyền”.
Sau đó, Hội nhà văn, VLCC và NXBGD liên tục có những cuộc họp trao đổi để tìm ra phương án cho vấn đề tác quyền trong sách giáo khoa. Khúc mắc lớn nhất vẫn là cách tính tiền bản quyền.
Phía VLCC bảo lưu quan điểm là việc tính tiền bản quyền cho các tác giả căn cứ vào số lượng in và giá bán trên bìa. NXBGD thì lại cho rằng, việc chi trả tiền bản quyền hay nhuận bút cho tác giả phải dựa vào số tiết của tác phẩm đó nhân với hệ số lương cơ bản theo tinh thần nghị định 18/2014/NĐ-CP.
Đầu tháng 10.2014, VLCC đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng để xin ý kiến về cách tính tiền bản quyền. Ngày 7.10, Cục Xuất bản đã có công văn số 4559 gửi VLCC “hướng dẫn cách chi trả nhuận bút tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa”. Theo Cục Xuất bản thì cách tính nhuận bút phải căn cứ vào mục 12, nhóm I của Nghị định 18, tức là 30-140% mức lương cơ sở nhân với số tiết quy định trong chương trình.
Tuy nhiên, phía NXBGD cho rằng, công thức tính của Cục Xuất bản đưa ra là nhuận bút của người biên soạn chứ không phải cho tác giả. Còn những tác giả văn học chỉ được nhận từ 5-15% trong số tiền nhuận bút của tác giả biên soạn tùy theo mức độ được trích.
Theo VLCC cũng như đại diện Hội Nhà văn, với cách tính này thì tiền tác quyền cho các tác giả rất “khiêm tốn”, nếu như không muốn nói là “bèo bọt”. Trong khi đó, mỗi năm NXBGD chi hàng tỉ đồng cho những người soạn sách, thì có lý gì mà những tác giả có tên trong sách chỉ nhận được khoản tiền chỉ bằng 10% tiền công của người soạn sách?
Không chấp nhận trả tiền kiểu bố thí, ban ơn
Số tiền các nhà văn “được cho” theo cách tính của NXB GD ít tới mức nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc VLCC - phải thốt lên: “Trung tâm không chấp nhận số tiền trả bản quyền “một cục” cho nhà văn khoảng vài trăm nghìn, từ 2013 trở về trước. Có nghĩa chia đều cho mỗi năm, một bác nhà văn có tác phẩm trong SGK được vài chục nghìn đồng - chắc đủ ăn một suất cơm văn phòng”.
Ngày 18.11, Hội Nhà văn, VLCC đã mời đại diện một số nhà văn, cũng như đại diện gia đình một số nhà văn, tới tham dự cuộc họp để lấy ý kiến về việc NXBGD chỉ đồng ý trả khoản tiền ít ỏi cho các nhà văn.
Tại cuộc họp này, ông Đỗ Hàn - PGĐ VLCC - bày tỏ: “Mục đích của việc VLCC làm việc với NXB Giáo dục không chỉ để đòi tiền mà nhằm tạo một nếp, một thói quen là bất kỳ ai khi sử dụng một tác phẩm nào đều phải trả tiền bản quyền cho xứng đáng và nó phải phù hợp với cuộc sống. Có phương thức chi trả rõ ràng, để cứ khi xuất bản, tái bản, NXBGD và các NXB khác cứ thế thực hiện. Tránh việc sử dụng, cắt xén tùy tiện gây bức xúc cho tác giả và xã hội. Việc cắt xén trong bài thơ “Thương ông” của tác giả Tú Mỡ mới đây cũng là sự bất cập trong việc biên soạn sách giáo khoa.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - PCT Hội Nhà văn Việt Nam - nói: “Chủ trương của Hội Nhà văn là không chấp nhận những cái phi lý. VLCC đã làm việc NXBGD một cách nỗ lực đi đến cùng để thực thi luật pháp về giá trị nghệ thuật, tinh thần của tác phẩm văn học. Những cái gì là khó khăn khách quan, thực tế không khắc phục được thì có thể chia sẻ và mềm dẻo để hai bên đi đến thống nhất, nhằm đảm bảo cao nhất quyền lợi cho các nhà văn, còn những gì do cố ý gây ra thì phải đấu tranh đến cùng”.
Theo các phương án mà VLCC đưa ra tôi nghĩ phải thật sát với luật, thực tế nhiều văn bản dưới luật sai với luật và chúng ta không thể theo cái sai đó. Phương án mà NXB đưa ra rất phức tạp hóa vấn đề, nếu chấp nhận một phương án phức tạp thì sẽ khó khăn cho tương lai. Tác giả của tác phẩm không thể chờ xem năm nay tác phẩm của mình được dạy mấy tiết để tính tiền nhuận bút, giả dụ tác giả biên soạn xin biên soạn miễn phí cho NXB GD thì tác giả tác phẩm trong đó sẽ không có tiền nhuận bút, nghĩa là cũng miễn phí theo. Do vậy, cả hai bên cần phải tính một phương án khoa học nhất, không phức tạp mà đúng luật. Theo tôi, tác giả những tác phẩm đó không có nghĩa vụ chia sẻ tiền nhuận bút với tác giả biên soạn. Và phương pháp tính phải theo giá bán và số lượng xuất bản phẩm…”.
Theo laodong.com.vn
Tư liệu khác
- "Vất vả" bản quyền sách
- Bảo vệ bản quyền: “một mình chống lại mafia”
- Truyện cổ tích Thạch Sanh đã bị “biến tướng” quá thô lậu, ghê rợn
- Vụ ‘Hãy nói yêu thôi, đừng nói yêu mãi mãi’: Hãy nói in thôi, đừng tưởng in... mãi mãi
- Dấu ấn bản quyền
- Tác quyền văn học trong SGK: Nhà xuất bản đã trả cho ai?
- Nhà xuất bản Giáo dục hai lần không trung thực
- NXB Văn hóa Thông tin: 60 đầu sách sai phạm trong năm, có từ điển Vũ Chất
- Gia đình Ngô Tất Tố kêu về quyền nhân thân
- Về bản quyền tác giả sách giáo khoa: Các nhà văn bức xúc với NXB Giáo dục