Sau khi đăng bài “Ebook và lỗ hổng bản quyền”, chúng tôi tiếp tục liên hệ với một số nhà văn, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) và ghi nhận một số ý kiến đáng chú ý.

Những cách bảo vệ bản quyền của nhà văn

Liên lạc với một số nhà văn, đơn vị làm sách như First News có tác phẩm bị in trong ebooks, thì nhận được câu trả lời là không hề biết đến cá nhân, cũng như ebooks hay DVD, USB này. Và cách giải quyết là sẽ tự tìm hiểu thêm, rồi liên lạc yêu cầu gỡ bỏ phần tác phẩm của mình. Nếu không được thì sẽ nhờ đến nơi đã ủy quyền tác quyền can thiệp. Vấn đề “bồi thường” không được các tác giả đặt ra, bởi lý do không thể biết được cá nhân đó đã bán được chính xác bao nhiêu, thu về được bao nhiêu. Hoặc giả sử, có đưa ra một con số nhất định để đòi bồi thường thì khả năng cá nhân cũng rất khó chi trả.

Trao đổi với nhà văn Y Ban - người mà thỉnh thoảng lại than phiền về cuốn sách này cuốn sách kia bị vi phạm bản quyền, được nhà văn chia sẻ nỗi niềm “sống chung với lũ” của mình:

Tác phẩm của tôi rất nhiều lần bị xâm phạm tác quyền. Tôi nhớ có lần phát hiện ra hãng Apple nổi tiếng khắp thế giới lấy hơn 20 tác phẩm của tôi và rao bán với giá không hề nhỏ. Tôi bức xúc lắm, và có ý định đi kiện Apple. Thế nhưng khi gặp luật sư thì được biết thủ tục kiện rất phức tạp, vì Apple ở nước ngoài, không có trụ sở tại Việt Nam, lại mất thời gian, tốn kém, phải bỏ ra ban đầu, ít nhất là 5 triệu. Rắc rối quá nên tôi cũng đành bỏ cuộc.

Tôi có cảm giác như mình đang “một mình chống lại mafia”. Trước đây, ở Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam tôi có ký ủy quyền với chị Đoàn Thị Lam Luyến, tuy nhiên, sau khi chị ấy không còn làm ở đó thì bản ký ủy quyền của tôi không còn giá trị. Trung tâm có mời tôi ký lại thì tôi không muốn ký nữa.

Thỉnh thoảng nghe thấy ai thông báo có tác phẩm này tác phẩm kia ở chỗ này chỗ khác mà mình không hề biết, thấy bức bối lắm. Mà cái kiểu xâm phạm bản quyền thế này nó như con vi rút lây lan chóng mặt, rất khó kiểm soát.

Tôi cũng sẽ gọi điện yêu cầu gỡ bỏ tác phẩm của mình khỏi ebooks đó. Nhưng cách làm này cũng chỉ là giải quyết phần ngọn. Tôi mong muốn ngay cả báo chí truyền thông hãy cùng nhau đồng loạt “lên tiếng”, liên kết để các cơ quan chức năng vào cuộc. Về các nhà văn, tôi cũng sẽ kêu gọi, tập hợp các nhà văn cùng nhau lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình. Nếu một cái đơn của tôi chỉ có một chữ ký thì giá trị không bằng một cái đơn có một trăm chữ ký của nhà văn. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau đấu tranh về vấn đề bản quyền, chứ không thể đấu tranh đơn lẻ.

 
Sách điện tử ngày càng trở nên phổ biến (ảnh internet)


Câu trả lời từ Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam

Trước việc phát hiện số lượng tác phẩm văn học của các nhà văn là thành viên của VLCC bị xâm phạm bản quyền, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thanh Thủy- đại diện pháp luật của VLCC. Hi vọng đây cũng chính là câu trả lời cho những người liên quan.

PV: Việc trang web cá nhân có rao bán ebooks với số lượng khổng lồ, từ 13.000 - 15.000 tác phẩm (bao gồm cả truyện ngắn đơn lẻ, tập truyện ngắn, tập sách, tiểu thuyết), trong đó số lượng tác phẩm văn học của các nhà văn là thành viên của VLCC không hề nhỏ. Những DVD và USB này được đưa ra thị trường bán với giá dao động từ 200 - 500 nghìn, xin VLCC cho biết ý kiến?

- Hiện nay đa số các tác giả vẫn tự quản lý tác phẩm của mình, tác giả tự thực hiện các giao dịch mà không ủy quyền cho tổ chức đại diện nào. Điều đó khiến cho việc kiểm soát việc sử dụng tác phẩm của các tác giả rất khó khăn, nhất là đối với việc sử dụng thứ cấp.

Việc xuất bản một quyển sách giấy có cả một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, và với mức độ lưu truyền vật lý nên việc che giấu nó là rất khó, tuy nhiên với sách điện tử (ebook) thì khác, các website có thể tự mình đăng lên rồi lại tự mình hạ xuống mà không để lại dấu vết nào, do vậy việc phát hiện và xử lý phải rất kịp thời.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, Ebook hiện đang là vấn đề được VLCC quan tâm. Trung tâm hiện đang hợp tác với một đơn vị có khả năng kinh doanh sách trên môi trường số và có khả năng rà soát toàn bộ các website cung cấp các sách số các tác phẩm văn học để thống kê. VLCC sẽ phối hợp cùng đơn vị này rà soát và đưa ra hướng xử lí cụ thể.

PV: Hướng giải quyết của VLCC cụ thể trong trường hợp này sẽ như thế nào?

Khi rà soát ra bất cứ tác phẩm nào của bất cứ thành viên nào của VLCC được sử dụng bởi một đơn vị nào đó, VLCC cũng cần phải xác minh lại với thành viên của mình xem họ có đồng ý cho đơn vị đó sử dụng hay không.

Thực tế nhiều tác giả đã ký hợp đồng cho phép các đơn vị sử dụng mà không nhớ, hoặc có nhiều tác giả dù đã là thành viên của VLCC rồi nhưng vẫn đi ký trực tiếp với đơn vị sử dụng, do vậy việc xác minh là rất cần thiết.

Sau khi xác minh, VLCC sẽ thực hiện quyền bảo vệ quyền tác giả cho các thành viên theo quy định của pháp luật hiện hành như liên hệ làm việc với đơn vị vi phạm, báo cáo, gửi đơn thư đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

PV: Hiện nay, vấn đề bản quyền gây bức xúc cho nhiều tác giả và các đơn vị làm sách, nhưng hướng giải quyết lại khá “mềm” nhất là với các cá nhân như hai trường hợp kể trên, ít khi có bồi thường ở mức cao, và khó kiểm soát họ đã bán được bao nhiêu, thu về lợi nhuận bao nhiêu. Nếu biết, chỉ yêu cầu đưa tác phẩm của mình ra khỏi trang web, đĩa, sách… Thế là ai biết, yêu cầu thì họ chấp nhận bỏ tác giả, tác phẩm đó ra, ai không biết thì cứ kệ, cứ bán. Hoặc giả, họ lại chuyển toàn bộ “vốn liếng” đó cho một cá nhân khác, hay mạo danh đứng tên khác, rồi lại với chiêu thức khác tinh vi hơn để bán. Nó sẽ như một chu kỳ: bán - phát hiện - rút - bán - phát hiện - rút - bán… Vậy làm thế nào để hạn chế được tối đa, (chấm dứt được thì tốt quá) tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay?

- Vi phạm bản quyền là vấn đề toàn cầu, không phải chỉ ở Việt Nam. Việc giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm bản quyền là rất khó không chỉ vì chế tài chưa đủ mạnh mà còn ở ý thức công chúng hưởng thụ, sự quyết tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các tác giả.

Tác giả vốn ngại va chạm, đa số chỉ kêu vu vơ, khi VLCC đề nghị thực hiện biện pháp dân sự là kiện tại Tòa án thì đa phần các tác giả thường e dè.

Việc đưa các tác phẩm văn học lên môi trường Internet để kinh doanh là xu thế chung của thế giới. Và sẽ rất tốt nếu việc kinh doanh đó được thực hiện theo đúng quy trình. Nhiều NXB khi đã ra sách giấy là nghĩ rằng họ có quyền làm Ebook, điều đó có thể đúng hoặc sai vì nó phải phụ thuộc vào thỏa thuận trước đó của NXB với tác giả. Với những cuốn ebook chưa qua khâu in sách giấy thì việc vi phạm bản quyền lại nằm ở những đơn vị kinh doanh ebook, và trong nhiều trường hợp cả tác giả và NXB đều là nạn nhân.

Để bảo vệ tốt quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số thì không còn cách nào khác là phải có sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị làm sách, công chúng hưởng thụ và tác giả.

PVVới những trường hợp không phải là thành viên của VLCC - như các nhà văn đơn lẻ, các đơn vị làm sách thì họ nên làm gì, và làm thế nào để bảo vệ tác quyền của mình?

- VLCC có một bộ phận hỗ trợ các tác giả thông báo và đề nghị xử lý các đơn vị xâm phạm quyền tác giả các tác phẩm của họ. Thủ tục này VLCC không phân biệt giữa thành viên với nhau và giữa thành viên và không là thành viên.

Đối với các tác giả không ủy quyền cho VLCC dù là thành viên hay không là thành viên mà tự thực hiện các giao dịch bên ngoài thì nên đọc kỹ hợp đồng để nắm rõ về phạm vi khai thác, quyền khai thác tác phẩm mà họ cho phép đơn vị sử dụng thực hiện. Trong trường hợp kể cả trước và sau khi đã ký hợp đồng với đơn vị sử dụng, nếu cần tư vấn, hỗ trợ, các tác giả có thể đến văn phòng VLCC để được giúp đỡ.

Theo laodong.com

Hà Anh