Trong năm 2014, Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc bảo vệ quyền lợi cho các nhà văn, nhà thơ trong “cuộc chiến bản quyền”. Tuy nhiên cho đến nay, 2 đơn vị vi phạm là NXB Giáo dục Việt Nam và VOV vẫn chưa có những động thái tích cực.

Petrotimes 4/2/2015

Đài quốc gia cũng “cò quay”

Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Giám đốc VLCC, từ đầu tháng 4/2014, VLCC đã tiến hành thống kê và khảo sát bộ sách Ngữ văn, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12, phát hiện các tác phẩm văn học được NXB Giáo Dục sử dụng trong bộ sách mà chưa xin phép và trả tiền nhuận bút đầy đủ cho các tác giả trong suốt 10 năm qua.

Ngày 28/5/2014, VLCC đã gửi công văn đề nghị NXB Giáo Dục làm việc với VLCC. Sau quá trình trao đổi, công văn qua lại, hai bên đã có các buổi làm việc vào ngày 14/8/2014, 28/10/2014 và 5/12/2014. Sau cuộc họp lần thứ năm vào ngày 5/12, gần đây nhất thì hai bên vẫn chưa thể thống nhất phương án chi trả nhuận bút. Cụ thể, NXB Giáo Dục đề xuất tính theo Mục 12 Điều 13 Nghị định 18 là tiền nhuận bút bằng 30 – 140% x lương cơ sở/ số tiết học. Trong đó hệ số lương tối thiểu là 100%, tỷ lệ sử dụng tác phẩm trong tiết theo 3 mức: 10%, 15% và 20%.

Trong khi đó, VLCC đề xuất hệ số lương tối thiểu là 140%, tỷ lệ sử dụng tác phẩm trong tiết học là 60%. Theo VLCC, công thức đề xuất cần phải đảm bảo đúng như một tác phẩm văn học sử dụng trên ấn phẩm. Trong khi đó, NXB Giáo Dục lại cho rằng SGK là đặc thù, chỉ sử dụng trong 1 tiết học, và mỗi tiết học chỉ sử dụng 5 – 10% văn bản, nên chia nhỏ ra.

Sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành

Bên cạnh đó, NXB Giáo dục còn “cò quay”, cho rằng nếu chi trả theo đúng yêu cầu của VLCC, thì sẽ tùy vào mức lương tối thiểu từ 2002 đến nay để tính tiền nhuận bút. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ bức xúc: “Lương tối thiểu của năm 2002 chỉ là 210.000 đồng, trong khi năm 2013 là 1.050.000 đồng. NXB Giáo dục không thể lấy giá trị từ 12 năm trước áp dụng cho năm nay được, nếu có thì chúng tôi phải “phạt” họ vì chi trả chậm”.

Không chỉ có NXB Giáo dục, trong năm 2014, VLCC đã phát hiện ra Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) sử dụng rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nhưng “lờ” chuyện trả tiền bản quyền. Suốt 4 tháng liên tục, VLCC cử một nhóm khảo sát các kênh phát sóng của VOV2 và VOV3 gồm các chuyên mục Đọc truyện đêm khuya, Tiếng thơ, Hát ru cho bé. Cho đến tháng 7/2014, VLCC bắt đầu gửi công văn đề nghị làm việc với đài và cho đến ngày 11/9/2014 thì VLCC mới có buổi làm việc đầu tiên với VOV. Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã thống nhất được những nội dung cơ bản. Tuy nhiên suốt từ tháng 9 đến nay, VLCC đã chủ động liên lạc và 4 lần gửi công văn đề nghị VOV triển khai các nội dung tại cuộc họp hồi tháng 9 nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ông Đỗ Hàn – Phó Giám đốc VLCC thông tin: “Đại diện VOV rất “cò quay” trong chuyện chi trả tiền nhuận bút, tiền bản quyền cho các tác giả và đưa ra rất nhiều lý do để thoái thác. Lần gần đây nhất, họ đề nghị trả cho Trung tâm 80-90 triệu để “tự chia”. Đây là thái độ bất hợp tác và bất công đối với các tác giả. Thậm chí, VOV còn viện lý do phải đầu tư vào thiết bị, người đọc … và yêu cầu tác giả phải gửi bản thảo đến xác nhận thì mới chi trả bản quyền”.

“Căng mình” chống vi phạm bản quyền

Tính đến 1/2/2015, VLCC đang đại diện cho 1002 tác giả (văn xuôi và thơ) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tác giả thông qua hoạt động cấp phép, thu tiền sử dụng tác phẩm và xử lý các vi phạm về quyền tác giả. Hiện nay, kho tác phẩm của VLCC lưu trữ 4571 tác phẩm của 470 tác giả, trong đó sách cứng 441 cuốn, file mềm có 432 tác phẩm.

Với từng tác giả, Trung tâm đều có hợp đồng ký kết, theo đó, về quyền lợi, tác giả hưởng 80%, trung tâm hưởng 20% trong tổng số tiền bản quyền đòi được trên mỗi hợp đồng. Trước mắt, Trung tâm sẽ làm việc với các đơn vị có tần suất sử dụng tác phẩm văn học cao nhất như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Các Nhà xuất bản và các trang báo mạng…

Cũng theo ông Đỗ Hàn, trong quy chế làm việc, ông cũng như ban lãnh đạo Trung tâm đều thống nhất quan điểm, không đặt nặng vấn đề tiền bạc nhiều hay ít, mà từng bước xây dựng một nền nếp ứng xử đối với các đơn vị sử dụng tác phẩm văn học với tác giả Cụ thể, mục tiêu trọng tâm của năm 2015 không phải “đòi tiền” mà là “đòi quyền được tôn trọng”.

Đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội hay những người mê sách vở xưa nay, nhắc tới cuốn Hán Việt Từ điển của học giả Đào Duy Anh, ai cũng biết. Nhưng có một câu chuyện về thái độ hành xử giữa các cụ ngày xưa với nhau liên quan tới tác quyền của công trình nổi tiếng này thì không phải ai cũng để ý.

Theo phần Đề từ của cụ Hãn Mạn Tử trong cuốn Hán Việt Từ điển, cuốn sách được cụ Đào Duy Anh hoàn thành năm 1931 với mong muốn có được một công cụ tra cứu phục vụ giới nghiên cứu trí thức đương thời.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc VLCC

Đến năm 1949, ông Nguyễn Ngọc Bích, giám đốc Nhà xuất bản Minh Tân thấy cuốn Hán Việt Từ điển của cụ Đào Duy Anh đã trở nên đặc biệt thông dụng nên muốn tái bản. Tuy nhiên, do điều kiện liên lạc thời đó khó khăn, ông Nguyễn Ngọc Bích chưa thể liên hệ được tác giả để xin ý kiến.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Bích đã chọn cách viết bức thư xin phép và cho in công khai trên từng bản in Hán Việt Từ điển trong đợt tái bản của nhà xuất bản Minh Tân. Trong thư có đoạn: “Như anh (Đào Duy Anh) đã nhiều lần ngỏ ý, bộ sách này còn có thể sửa chữa nhiều để được hợp thời hơn. Nhưng vắng anh, chúng tôi không dám tự tiện chữa một dấu, một chữ, và khi cho in ra, chúng tôi dùng lối chụp hình cho được trung thành với bản in đầu tiên”.

Kết luận bức thư công khai, ông Bích viết: “Tuy nhiên, bản quyền của anh, trong công việc tái bản nầy, sẽ được hoàn toàn đảm bảo. Ý anh muốn dùng nó cách nào, tôi cũng chiều theo. Tôi viết bức thơ công khai nầy in trên mỗi quyển, là hy vọng rằng thế nào cũng có một quyển đến tay anh được. Và cũng là trịnh trọng lãnh trách nhiệm của tôi đối với anh vậy”. (Hán Việt từ điển giản yếu – Đào Duy Anh, Nxb Văn hóa Thông tin).

Năm 2014, VLCC đã tiếp nhận và giải quyết một số vụ việc liên quan đến bản quyền tác giả như:

- Ngày 9/6/2014, VLCC liên hệ với các tác giả thành viên đồng ý cho phép bà Nguyễn Đỗ An Nhiên và Phan Thị Mỹ Loan chuyển ngữ các bài thơ về biển đảo của Việt Nam sang tiếng Nhât.

- VLCC đã giải quyết vi phạm bản quyền cho nhà văn Cao Năm có tác phẩm được sử dụng trên diễn đàn www.vnthuquan.net. VLCC đã gửi công văn nhưng do là trang diễn đàn trên mạng, server và thông tin đăng ký của nước ngoài nên chưa có kết quả như mong muốn.

- NXB Thanh Hóa in cuốn sách “Địa đảo Củ Chi” của nhà thơ Lam Giang không xin phép và chi trả tiền nhuận bút. Chưa có kết quả do không thể liên lạc được NXB này (bằng điện thoại và công văn).

- NXB Giáo dục in cuốn “Văn học nước Nga trong nhà trường” có tác giả Hoàng Thúy Toàn và Phan Hồng Giang chưa xin phép và trả nhuận bút cho tác giả. VLCC đã gửi công văn làm việc với NXB Giáo dục để thống nhất về phương thức chi trả cho tác giả trong cuốn sách. Kết quả: hai bên chưa thống nhất về phương thức chi trả nhuận bút cho phù hợp.