TP - Tuần qua, Trung tâm bản quyền tác giả Văn học Việt Nam nhộn nhịp hẳn lên vì các nhà văn í ới tới lui. Hóa ra, họ đến lĩnh tiền bản quyền tác phẩm được in trong sách giáo khoa (SGK). Lần đầu tiên có chuyện này.
Trước đây, có tác phẩm in trong SGK được xem là “vinh hạnh” và đương nhiên là không có nhuận bút. Nhưng nay thì hơn 100 nhà văn nhà thơ có tác phẩm trong SGK đã được lĩnh số nhuận bút này. Ít ai biết để có được kết quả đó là cả một chặng đường dài.
Tiền bản quyền được Nxb Giáo dục chuyển về Trung tâm bản quyền tác giả Văn học Việt Nam (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam - sau đây gọi tắt là Trung tâm), công việc còn lại của Trung tâm là phân phối đến các nhà văn, nhà thơ.
Một số nhà văn đã tới nhận tiền ngay trong ngày đầu tuần (17/8), những nhà văn đã khuất hoặc cao tuổi đều có vợ/con đến nhận thay. Tâm trạng chung của các tác giả là phấn khởi khi lần đầu tiên trong “lịch sử sáng tác” được biết đến nhuận bút từ sách giáo khoa.
Nhà thơ Y Phương hóm hỉnh chia sẻ trên facebook sau khi kí nhận tiền: “Sáng đến Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam lĩnh nhuận bút. Cứ nghĩ mình là người đầu tiên, hóa ra anh Ma Văn Kháng mới là người thứ nhất. Cảm ơn Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam. Cảm ơn vị giám đốc có đôi mắt “đắm đò”. Một cảm giác gần gũi lâng lâng khó tả. Một buổi sáng sung sướng. Sung sướng bởi lẽ công bằng đã có được chỗ ở”.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vui vẻ cất hơn 2 triệu đồng vào ví, nhẩm tính: Chỉ cần 18 triệu nữa là đủ tiền đi du lịch Trung Quốc. Bà hồ hởi nói: “Người tiền nhiệm của Trung tâm bảo nếu chị ấy đi đòi thì tôi còn được lĩnh tiền tỉ cơ. Nhưng gần chục năm rồi mà tiền tỉ chả thấy đâu. Cứ tiền triệu mà nhanh chóng, hiện thực thế này là tốt lắm rồi”. Vợ nhà thơ Phạm Tiến Duật cho biết, việc đầu tiên khi mang tiền về đến nhà là thắp hương báo cáo tác giả “Tiểu đội xe không kính”…
Tuy nhiên cũng không ít tác giả lại có cảm giác hụt hẫng. Nhà thơ Đặng Hiển, tác giả bài thơ “Mẹ vắng nhà ngày bão” tỏ ra rất thất vọng khi nhận về số tiền chưa đầy 1 triệu đồng cho một tác phẩm in trong SGK tiểu học từ năm 1981 đến nay. Theo ông, bài thơ này đã “đi cùng năm tháng” bởi bao thế hệ học sinh thuộc lòng “Mấy ngày mẹ về quê/ Là mấy ngày bão nổi…” cho nên số tiền như vậy là không xứng đáng. Nhà văn Lê Minh Khuê khi biết số tiền được trả cho tác phẩm (trích) “Những ngôi sao xa xôi” chỉ hơn 2 triệu đồng đã định không đến nhận.
Nhân viên Trung tâm đã phải kiên nhẫn giải thích cho các tác giả căn cứ vào các điều khoản trong hợp đồng, cách tính nhuận bút theo Nghị định 18 và Nghị định 61 của Chính phủ. Nhưng mệt mỏi nhất là các trường hợp có tranh chấp giữa những người thừa kế của tác giả đã khuất. Con gái của một cố nhà văn nổi tiếng với tác phẩm thiếu nhi, đã bắt nhân viên Trung tâm làm đi làm lại hợp đồng kèm theo phụ lục dài đến vài trang A4, sau khi đọc kĩ từng dòng lại đưa ra điều kiện là phải chắc chắn đòi bằng được tiền bản quyền thì mới kí. Nếu đòi được tiền thì phải báo chị ấy đến nhận chứ không phải là người em trai vì “Cậu ta không đủ tư cách”. Trưởng nam của một cố nhà văn khác khi được mời đến kí hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm đã tìm cách từ chối và đẩy “vinh dự” đó cho chị gái mình.
Cách đây hơn một năm, sự việc Trung tâm lên tiếng đòi quyền lợi cho các nhà văn có tác phẩm được sử dụng trong bộ SGK hiện hành của Nhà xuất bản Giáo dục đã làm nóng dư luận. Sau nhiều cuộc trao đổi, tranh luận, họp bàn, thậm chí đã phải có đơn khởi kiện, cho đến đầu tháng 8/2015, Trung tâm đã cùng Nxb Giáo dục đạt được sự thỏa thuận các điều khoản chi trả nhuận bút cho các tác giả.
Khi đang “cơm lành canh ngọt”, lãnh đạo hai cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sáng kiến kí kết chương trình phối hợp “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013 – 2020”. Lễ kí kết được diễn ra ngay trong ngày đầu năm 2013 như một dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới, thể hiện tinh thần hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hai bên.
Trong buổi lễ, GS.TS Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu: “Chương trình phối hợp giữa Hội Nhà văn VN và Bộ GD&ĐT là một trong những nhiệm vụ của ngành giáo dục. Việc kí kết sẽ mở ra nhiều hình thức, nội dung, phương hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả để góp phần xây dựng một nền giáo dục, một nền văn học phát triển bền vững”.
Trước thịnh tình của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đáp lễ: “Hội Nhà văn VN và Bộ GD&ĐT đã xây dựng được tình cảm tốt đẹp, tạo nên mối quan hệ gắn bó, gần gũi. Việc ký kết Chương trình phối hợp là khởi đầu cho bước ngoặt phát triển mới mà Hội Nhà văn VN muốn ghé vai chia sẻ trách nhiệm với Bộ GD&ĐT. Không có nhà văn nào không từng qua trường học, vì thế, trong lòng các nhà văn Việt Nam, nhà trường luôn luôn, đã và sẽ mãi mãi là “Thánh đường” của văn chương”.Nằm trong hàng “top” về nhuận bút là nhà thơ Tố Hữu (gần 30 triệu đồng), cố nhà văn Tô Hoài (hơn 20 triệu đồng), nhà thơ Trần Đăng Khoa (hơn 17 triệu đồng)... Các tác giả như Nguyên Hồng, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng được in tác phẩm trong sách Ngữ văn cấp PTTH (truyện ngắn hoặc trích tiểu thuyết đến vài nghìn từ) lại nhận được số tiền rất… tượng trưng.
Chương trình phối hợp chưa kịp triển khai thì đã xảy ra sự việc Trung tâm “đánh tiếng” về bản quyền đối với các tác giả có tác phẩm sử dụng trong SGK của Nxb Giáo dục (thuộc Bộ GD&ĐT). Bắt đầu từ tháng 4 năm 2014, Trung tâm tiến hành thống kê và khảo sát bộ sách Ngữ văn, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12, phát hiện các tác phẩm văn học được Nxb Giáo dục sử dụng mà chưa xin phép và trả tiền nhuận bút đầy đủ cho các tác giả từ năm 2002.
Tháng 5/2014 Trung tâm gửi công văn đầu tiên đề nghị Nxb Giáo dục làm việc. Tuy nhiên, tại các buổi làm việc hai bên vẫn chưa thống nhất được phương thức chi trả. Trong quá trình làm việc với Nxb Giáo dục, tháng 9/2014 Trung tâm đã gửi công văn tới Cục bản quyền tác giả, Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội đề nghị hướng dẫn cách thức thu hoặc chi trả tiền nhuận bút cho các tác phẩm được sử dụng toàn bộ hoặc một phần trong bộ SGK hiện hành, nhưng văn bản trả lời từ Sở Thông tin Truyền thông chưa cụ thể và chi tiết để hai bên có thể áp dụng được. Đối với các tác giả, tháng 11/2014, Trung tâm tổ chức họp lấy ý kiến các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm sử dụng trong SGK. Tại cuộc họp này, các tác giả không đồng ý phương thức chi trả do Nxb Giáo dục đề xuất.
Tháng 3/2015, Trung tâm chính thức gửi đơn kiện lên Tòa án Nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Nhọc nhằn thắng kiện
Trong thời gian khởi kiện Nxb Giáo dục, Trung tâm tổ chức họp lấy ý kiến các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong bộ SGK. Tại cuộc họp, các tác giả đều không đồng ý phương thức chi trả do Nxb Giáo dục đề xuất. Bởi tính ra mỗi tác phẩm in trong sách chỉ được trả vài chục đến vài trăm nghìn. Tuy nhiên, để đạt được sự thống nhất cũng không đơn giản, vì ngay cả khi đã đặt bút kí hợp đồng ủy quyền, có nhiều nhà văn, nhà thơ còn hoài nghi về năng lực của Trung tâm.
Bên cạnh đó, một số tác giả mang tâm lý ngại va chạm, số còn lại thì không nhớ hoặc không quan tâm đến tiền nhuận bút vì được đưa tác phẩm vào bộ SGK đã là vinh dự rồi. Một trở ngại không nhỏ nữa là có những nhà văn đã qua đời, con cháu trong nhà chia thành năm bè bảy mối nên thuyết phục được người đứng ra kí hợp đồng ủy quyền cũng phải thu xếp khá tế nhị.
Đến ngày 27/4/2015, Trung tâm và Nxb Giáo dục có buổi làm việc đầu tiên kể từ ngày khởi kiện, hai bên đã trao đổi và đạt được thỏa thuận về phương án chi trả tiền nhuận bút căn cứ vào Nghị định 18 và Nghị định 61 về nhuận bút của Chính phủ. Ngay sau đó chuyên viên của hai bên đã tiến hành việc đối soát số tác phẩm và căn cứ vào phân phối chương trình giáo dục. Phải ngồi cùng nhau đối soát từng trang trong sách Tiếng Việt, Ngữ văn từ lớp 1 đến lớp 12.
Công việc bộn bề và tỉ mỉ đến mức chuyên viên của Trung tâm phải thốt lên: “Buổi làm việc nào cũng tranh cãi, mặc cả với nhau từng nửa trang sách không khác gì mua rau ngoài chợ. Có những tác phẩm in trong SGK tiểu học, bên Nxb Giáo dục chỉ tính 1 tiết học nhưng Trung tâm nhất quyết đấu tranh phải tính 2 tiết vì tập đọc xong còn viết chính tả chính bài đó.
Những bài kể chuyện theo tranh lại chỉ được tính nửa tiết”. Chạy đua với thời gian, chỉ hơn 1 tháng hai bên đã hoàn thành việc thống kê số tác phẩm của các tác giả thành viên Trung tâm để lập danh mục trả tiền và đến tháng 8/2015 Trung tâm đã đòi được nhuận bút của hơn 100 tác giả.
Vĩ thanh
Sau thành công ban đầu, giám đốc Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam – nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết: “Trung tâm sẽ không nhượng bộ với bất kỳ sự vi phạm bản quyền tác giả văn học nào. Chúng tôi sẽ sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật cho phép để bảo vệ quyền lợi cho thành viên.
Hiện chúng tôi đã rà soát việc sử dụng tác phẩm văn học của toàn bộ các nhà xuất bản, các đài phát thanh truyền hình, các đơn vị kinh doanh sách điện tử… Biết đâu sau Nxb Giáo dục sẽ là một đài phát thanh truyền hình hay một nhà xuất bản khác bị Trung tâm khởi kiện”.
Nhuận bút được tính chi ly
Áp dụng công thức tính toán cực kì chi tiết: Tiền nhuận bút trích dẫn lần đầu 1 tác phẩm = tỉ lệ 100% x mức lương cơ sở năm 2014 (1.150.000 đồng) x tỉ lệ sử dụng tác phẩm trích/ tiết học (40%); tiền nhuận bút trích dẫn tái bản = 25% x tiền bản quyền lần đầu (đối với tác phẩm in trong sách giáo khoa từ năm 2002 đến tháng 5/2014) hoặc 75% x tiền bản quyền lần đầu (đối với tác phẩm in trong sách giáo khoa từ tháng 6/2014 đến 31/12/2014).
Tin khác
- Tôi rất khó chịu khi tác phẩm bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng
- Ngày sách Việt Nam 2016: Sôi nổi nhưng thiếu bản sắc
- Phát động chương trình “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4”
- Dịch giả Trung Quốc Chu Ngưỡng Tu: Việt Nam có nền văn học đấu tranh
- Có một phố vừa đi qua phố' đoạt giải Văn học Nghệ thuật thủ đô
- Ngậm ngùi bản quyền sách giáo khoa
- Tái bản sách ảnh "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”
- Từ 'ngày sách' nhìn sang... phố sách
- Viết theo xu thế, đọc theo phong trào
- Sách của Nguyễn Nhật Ánh 'thống lĩnh' giải FAHASA