Nhà văn trẻ Hồ Huy Sơn “tình cờ” phát hiện một vài tác phẩm của mình được một số NXB “tự ý” in vào sách. Nhưng không như nhiều tác giả khác chọn cách “im lặng” hay “mỉm cười cho qua”(*) mà anh lên tiếng khá mạnh mẽ. Chia sẻ xung quanh sự việc bị vi pham tác quyền này, nhà văn Hồ Huy Sơn đã dành cho Báo điện tử Tổ Quốc cuộc trò chuyện thẳng thắn.

- Bằng cách nào anh lại biết tác phẩm “Con đường rơm” và “Hãy can đảm lên” của mình xuất hiện trong hai cuốn sách do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản là “Luyện tập Tiếng Việt 3 trình bày trên giấy ô li” và “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3”?

+ Tôi biết đến chuyện này rất tình cờ, do hai người bạn báo tin trên Facebook cách đây 2 tháng. Cả hai người bạn này hiện đang là cô giáo, trong quá trình dạy học trò thì phát hiện ra bài viết của tôi xuất hiện trong hai cuốn sách kể trên. Trên thực tế, hai cuốn sách này đã xuất bản từ cách đây khá lâu. Cụ thể, cuốn “Luyện tập Tiếng Việt 3 trình bày trên giấy ô li” tập 1 xuất bản năm 2014 và “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3” xuất bản năm 2012 và tái bản trong 4 năm sau đó.

Tôi rất khó chịu khi tác phẩm bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng - ảnh 1

Nhà văn trẻ Hồ Huy Sơn đề nghị NXB Giáo dục gỡ bỏ tác phẩm của mình trong lần tái bản 

- Khi tiếp nhận và được xác thực thông tin vi phạm trên, suy nghĩ và quan điểm của anh như thế nào?

+ Không phải bây giờ mà từ trước đó, tôi rất khó chịu khi tác phẩm của mình hay của ai đó bị sử dụng một cách ngang nhiên, thiếu tôn trọng. Nếu vì mục đích phi lợi nhuận, tôi hoàn toàn có thể bỏ qua, nhưng ở đây, NXB Giáo dục đang xuất bản và phát hành với mục đích thương mại. Điều tối thiểu nhất mà bất cứ ai cũng hiểu, ấy là nếu muốn sử dụng cái gì đó không phải của mình, thì phải có sự xin phép và đồng ý. Nhưng ở NXB Giáo dục thì tôi không nhận được điều này, mà họ tự ý sử dụng tác phẩm của người khác khi chưa có sự cho phép. Tôi cho rằng, đây là sự thiếu tôn trọng tới tôi cũng như các tác giả nói chung. Và tôi phản đối việc làm này.

Được biết, hai đơn vị xuất bản thuộc NXB Giáo dục vừa có văn bản xin lỗi cũng như hướng giải quyết đối với tác giả Hồ Huy Sơn, cá nhân anh thấy đã thỏa đáng chưa?

+ Tôi có phần ngạc nhiên và thất vọng với cách làm việc của NXB Giáo dục. Từ ban đầu, ông Nguyễn Văn Tùng liên lạc với tôi với tư cách là đại diện của NXB Giáo dục đứng ra giải quyết sự việc này, sau khi có sự ủy quyền của GS Lê Phương Nga- là tác giả biên soạn cuốn sách “35 đề ôn luyện Tiếng Việt 3” (cuốn “Luyện tập Tiếng Việt 3 trình bày trên giấy ô li” do một nhóm tác giả trong TP. Hồ Chí Minh thực hiện). Trong văn bản tôi từng gửi cho ông Nguyễn Văn Tùng, tôi chỉ có 3 đề nghị: 1). Có Văn bản giải trình và xin lỗi tác giả; 2).Phương thức tính nhuận bút cụ thể đối với văn bản được trích dẫn; 3).Hướng giải quyết sắp tới đối với 2 bài viết của tôi.

Đồng thời, tôi cũng đưa ra thời hạn 10 ngày tính từ ngày gửi thư để phía NXB Giáo dục có thời gian giải quyết. Sau 2 ngày, tôi nhận được văn bản do ông Nguyễn Văn Tùng gửi qua email phúc đáp về những đề nghị của tôi. Trong văn bản này, ông Tùng chỉ cung cấp phương thức tính nhuận bút cho các bài viết được sử dụng trong sách tham khảo, áp dụng cho các đầu sách được xuất bản tại NXB Giáo dục. Sau đó, hết thời hạn 10 ngày, tôi không nhận được bất cứ phản hồi nào thêm từ phía đại diện của NXB Giáo dục.

Thế rồi đùng cái, tôi nhận được thư xin lỗi từ hai công ty trực thuộc của NXB Giáo dục, nơi tổ chức in ấn và phát hành 2 cuốn sách kể trên. Phía NXB Giáo dục, đơn vị chủ quản đến hôm nay vẫn im lặng, như thể hoàn toàn vô can. Như vậy, trách nhiệm của NXB Giáo dục ở đây là gì? Ban đầu tôi có phần ngạc nhiên, nhưng sau này tôi đành an ủi mình: “Thôi, có còn hơn không!”.

Tôi rất khó chịu khi tác phẩm bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng - ảnh 2Cuốn sách có sử dụng tác phẩm của Hồ Huy Sơn.

 

- Việc vi phạm bản quyền ở ta là chuyện không mới và khá thường xuyên, thậm chí cả những tác giả tên tuổi, có uy tín cũng không loại trừ.  Và giả sử họ có bị vi phạm bản quyền cũng rất rắc rối, mất thời gian mà có khi còn chịu thua, vậy tại sao một tác giả trẻ như Hồ Huy Sơn lại có vẻ kiên quyết theo đuổi đến cùng?

+ Ngay từ ban đầu, tôi cũng biết số tiền tác quyền mà mình nhận được (nếu có) chẳng đáng bao nhiêu, lại tốn thời gian và phiền phức. Nhưng ở tư cách là tác giả, tôi nghĩ mình cần phải lên tiếng. Tôi lên tiếng để bảo vệ tác quyền của chính mình. Ngoài ra, tôi cũng muốn nhân chuyện này có thể “đánh động” ý thức về việc bảo vệ tác quyền của các tác giả khác vì lâu nay, nhiều người vẫn có suy nghĩ xuê xoa, cho là việc nhỏ, không đáng. Chính vì vậy mới dẫn đến câu chuyện không hay như vừa qua. Theo tôi được biết, ngoài tôi ra, còn có rất nhiều tác giả, thậm chí là những nhà văn có tên tuổi cũng bị NXB Giáo dục sử dụng tác phẩm một cách ngang nhiên như vậy.

Quan trọng hơn, tôi xác định mình lên tiếng với thiện ý là góp lên một tiếng nói vì môi trường xuất bản lành mạnh, theo tinh thần thượng tôn pháp luật - cụ thể là Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ. Trên cương vị là tác giả, tôi cật lực phản đối về cách làm việc cẩu thả và thiếu tôn trọng tác giả như đã và đang xảy ra tại NXB Giáo dục.

Trong một văn bản gửi cho tác giả Hồ Huy Sơn, ông Nguyễn Văn Tùng - đại diện phía nhà NXB GD có tiết lộ mức chi trả tác quyền cho một tác phẩm được sử dụng vào khoảng 600.000 đồng. Số tiền này thực sự làm tôi nhớ lại việc chi trả tác quyền văn học cho các nhà văn có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa của NXB.GD vào năm 2015, theo nguồn tin tôi có được thì 109 tác giả truy lĩnh 12 năm nhuận bút từ sách giáo khoa chỉ tầm khoảng 500 triệu. Nhà văn nhận cao nhất là Tố Hữu với khoảng 30 triệu, nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Trần Đăng Khoa khoảng trên dưới 20 triệu và có nhà văn truy lĩnh 12 năm mà chỉ được vài trăm. Thực sự có nhà văn đã thốt lên rằng việc chi trả tác quyền như vậy là quá thấp. Cũng là người đang làm công tác biên tập, xuất bản, xin anh cho biết ý kiến?

+ Trong văn bản mà ông Nguyễn Văn Tùng gửi trước đây, tôi có được biết về công thức tính nhuận bút áp dụng cho các văn bản được trích dẫn trong sách tham khảo của NXB Giáo dục. Cá nhân tôi cho rằng, nếu đây là công thức chung của NXB Giáo dục thì mình phải chấp nhận. Chỉ có điều, lẽ ra ngay từ ban đầu, nếu NXB Giáo dục tuân thủ việc tôn trọng tác quyền, có trách nhiệm liên hệ với các tác giả để thực hiện việc chi trả nhuận bút thì đã không có chuyện sai phạm như ngày hôm nay.

Ở khía cạnh là một tác giả, và cũng đang làm việc trong lĩnh vực xuất bản, tôi thấy rằng nhuận bút đang áp dụng cho tác giả hiện nay quá thấp, chỉ trong khoảng 8-12% giá bìa. Nếu không phải là tác giả bestseller thì số lượng in phổ biến là 2.000 cuốn. Tính ra một cuốn sách, có khi viết cả năm trời chỉ nhận được 5-10 triệu đồng. Trong khi đó, hiện nay mức chiết khấu cho các đơn vị phát hành khá cao, thậm chí lên đến 50% giá bìa. Tôi thấy tỉ lệ này đang có sự chênh lệch quá lớn; hy vọng rằng, một lúc nào đó tỉ lệ này sẽ được cân đối lại và mức nhuận bút dành cho các tác giả sẽ được cải thiện.

- Theo anh tiền tác quyền từ sách giáo khoa có quan trọng không, vì tôi nhớ không nhầm nhà thơ Trần Nhuận Minh là người tuyên bố nếu có tác phẩm được sử dụng trong sách giáo khoa là niềm vinh dự và không quan tâm đến tiền. Thực tế trong lần lĩnh tiền tác quyền sách giáo khoa năm ngoái ông đã có lời đề nghị gửi lại các nhân viên của Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam - Hội Nhà văn Việt Nam.

+ Chuyện tiền tác quyền từ SGK có quan trọng hay không, theo tôi là tùy quan điểm và điều kiện của từng người. Với người này là to, nhưng với người khác thì chẳng đáng. Cá nhân tôi thì thấy rằng, NXB Giáo dục xuất bản sách giáo khoa vì mục đích thương mại thì trách nhiệm trả tiền tác quyền là việc cần phải thực hiện. Có thể số tiền đó không lớn, nhưng tôi cho rằng đây là tiền nhuận bút mà các tác giả xứng đáng được nhận. Còn việc sử dụng số tiền đó như thế nào là tùy mỗi người.

Tôi rất khó chịu khi tác phẩm bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng - ảnh 3Cuốn "35 đề Ôn luyện tiếng Việt 3" sử dụng tác phẩm của Hồ Huy Sơn nhưng không xin phép tác giả

 

- Là một tác giả còn khá trẻ - sinh năm 1985, có ý kiến cho rằng việc tác phẩm được lựa chọn sử dụng trong sách giáo khoa, cho dù là sách tham khảo cũng là một vinh dự không phải ai cũng được như vậy, vậy tại sao anh lại kiên quyết và có động thái yêu cầu gỡ bỏ hai tác phẩm trên khi tái bản?

+ Có thể với người khác, họ sẽ thấy vui và vinh dự khi tác phẩm của mình được sử dụng trong sách giáo khoa hay sách tham khảo. Còn tôi thực sự không cảm nhận được niềm vui và sự vinh dự ấy. Với tôi, tác phẩm in trong một ấn phẩm nhỏ, bình thường gì cũng vui nếu có sự tôn trọng nhau. Việc tôi yêu cầu gỡ bỏ hai bài viết trong lần tái bản tới, là cách thể hiện cho thái độ dứt khoát của mình trong sai phạm ở NXB Giáo dục nói riêng và tình trạng vi phạm tác quyền nói chung. Ở một khía cạnh khác, tôi không muốn các em khi học bài học có hai bài viết kia của tôi, lại nhớ đến sai phạm của những người thực hiện cuốn sách đó. Điều đó quả thực là không hay chút nào!   

- Anh có nghĩ những hành động đấu tranh vì bản quyền vừa rồi sẽ thành “tiền lệ” cho những tác giả rơi vào tình trạng tương tự?

+ Như chia sẻ từ ban đầu, tôi rất khó chịu với việc “xài chùa” tác phẩm của người khác. Đây là hành vi ăn cắp chất xám mà trong xã hội văn minh không thể chấp nhận. Nếu qua câu chuyện của tôi mà nhiều người cũng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ tác quyền, thì đó là điều đáng mừng mà! Hy vọng “đông tay thì vỗ nên kêu”, và đến một lúc nào đó, các tác giả chỉ việc chuyên tâm vào sáng tác, không phải bận tâm về những câu chuyện bên ngoài tác phẩm.

Theo toquoc.vn