Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam từ 2014. Từ đó đến nay, đều đặn mỗi năm Ngày sách được tổ chức với ngày càng nhiều địa phương, đơn vị tham gia.
Năm nay, tại Hà Nội, hội sách do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì diễn ra trong năm ngày, từ 20/4 đến 24/4. Có 24 đơn vị đăng ký tổ chức, với 59 sự kiện diễn ra suốt năm ngày, thu hút chú ý của nhiều người. Các gian hàng được bài trí dọc hai bên lối đi chính của công viên, khá tiện lợi và dễ dàng cho người xem. Ngoài việc mua sách, độc giả tới hội còn được tham gia nhiều sự kiện như ra mắt sách, giao lưu với tác giả...
Nhiều ưu đãi tại Hội sách thu hút các độc giả trẻ Hà Nội. |
Hội sách phân bổ trong năm ngày nên không gặp tình trạng ùn ứ hay chen chúc. Không gian công viên cũng khá rộng rãi để người xem vừa mua sách, dự sự kiện và tham quan. Hội thu hút lượng người tham dự đều đặn từ sáng tới tối trong suốt thời gian diễn ra. Ngày cuối cùng rơi vào Chủ nhật nên lượng khách có mặt khá đông.
Đúng như lời Cục trưởng Cục xuất bản Chu Văn Hòa trước đó, không có tình trạng loa đài của các gian hàng đua nhau mở gây ồn. Các đơn vị tham gia với tinh thần văn minh.
Trong số 59 sự kiện, nhiều vấn đề được quan tâm như buổi tọa đàm "Nhìn về lịch sử, hướng tới tương lai" kèm giới thiệu bộ sách Góc nhìn sử Việt có sự tham gia của nhà sử học Lê Văn Lan, buổi giao lưu với nhà thơTrần Đăng Khoa, tọa đàm "Cùng con vượt qua những khó khăn đầu đời" với mẹ nuôi bé Thiện Nhân, giao lưu với tác giả Trần Hùng John về chủ đề "Người Việt trẻ trước thềm hội nhập", tọa đàm "Dạy con bằng sách - Câu chuyện văn hóa và giáo dục của mẹ Việt"...
Tại TP HCM, hội sách cũng diễn ra khá sôi nổi từ ngày 17-24/4. Sự kiện chính diễn ra ở Đường Sách Nguyễn Văn Bình.
Suốt tuần lễ này, trên trục Đường Sách có triển lãm "Sách hay, sách đẹp", trưng bày các đầu sách được giải thưởng do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hàng năm. Đây là dịp để bạn đọc tiếp cận tác phẩm xuất bản trước năm 1945 của các tác giả lớn ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Hàng trăm bạn trẻ đến với Đường Sách TP HCM để tham gia các hoạt động của Ngày Sách. Ảnh: Quách Thu Nguyệt. |
Trong khuôn khổ sự kiện, Sở Thông tin, truyền thông TP HCM và Ban điều hành Đường Sách còn tổ chức hai buổi đấu giá sách quý như: Sài Gòn Năm Xưa (1961), Tản Đà vận văn (1952), Hai buổi chiều vàng(1937), Thú chơi sách (1960), Minh Tâm Bửu Giám (1938), Mười câu chuyện văn chương (1975). Toàn bộ tiền đấu giá được sử dụng vào mục đích từ thiện dành cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Ba tọa đàm chủ đề "Văn học lãng mạn đầu thế kỷ 20", "Mặc áo mới cho sách", "Sưu tập sách - Hoài niệm và đam mê" đã thu hút nhiều diễn giả như PGS.TS Nguyễn Thành Thi, PGS.TS Võ Văn Nhơn, anh Võ Văn Rạng, anh Nguyễn Hữu Lệ, nhà sưu tập sách Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nguyễn Văn Miếng.
Ngoài ra, trong tuần hưởng ứng văn hóa đọc ở Đường sách có các buổi ra mắt, giới thiệu tác giả - tác phẩm do nhiều đơn vị tổ chức. Trong đó, First News phối hợp cùng các đơn vị thực hiện "Ngày hội sách khởi nghiệp" cũng như ra mắt sách Bánh răng khởi nghiệp thu hút hàng trăm lượt bạn đọc tham dự. 60 đầu sách rèn luyện kỹ năng khởi nghiệp cũng được giới thiệu với các bạn trẻ và sinh viên Việt Nam.
Hoạt động giảm giá được chú trọng để kích cầu độc giả. Một số công ty có mức giảm từ 30 - 50% cho nhiều tác phẩm. Ngoài ra, nhiều ấn phẩm được bán với giá "mềm" từ 5.000 - 25.000 đồng. Công ty Alpha Books có chương trình "Giờ vàng 0 đồng" khiến chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ buổi chiều tối, nhiều đầu sách của đơn vị này đã được bán hết.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng dự lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam 2016 chiều 21/4. |
Các hoạt động sôi nổi, quy mô lớn, lượng người tham dự cho thấy sức lan tỏa của hội sách cũng như tinh thần yêu sách của độc giả nhiều tầng lớp, lứa tuổi. Tuy nhiên, ngoài việc thời gian kéo dài, nhiều hoạt động thì chưa có yếu tố cho thấy nét khác biệt so với các hội sách khác.
Nhiều trong số sự kiện là các buổi ra mắt sách hay giao lưu với tác giả sách mới - hoạt động thường thấy ở hầu hết sự kiện tương tự. Một độc giả lớn tuổi cho rằng hội sách với quy mô lớn này cần mời nhân vật thực sự đủ tầm, có sức thuyết phục để trò chuyện với công chúng. Các hoạt động có thể rút ngắn, tuyển chọn và có tính kết nối chung của toàn hội sách hơn là đơn vị nào biết đơn vị đó. Ngoài ra, tại các gian hàng, sách được bày bán mà thiếu chỉ dẫn về những cuốn thực sự có giá trị cho người đọc - điều giúp hội sách không chỉ đơn thuần là nơi bán sách.
Việc tổ chức ngoài trời khiến các đơn vị tham gia hội ít nhiều tổn thất. Tại Hà Nội, ngoài việc phải đóng cửa và đắp nilon chống ướt trong sáng 22/4 vì trận mưa lớn bất chợt, nhân viên tại các gian hàng phải trông đêm và khá vất vả khi những cơn mưa lớn trút vào giữa đêm. Một đơn vị do bạt phía trên bị thủng bất ngờ đã bị ướt một số thùng sách. Đây là điều ban tổ chức phải tính đến trong các lần hội sau. Nếu vẫn làm ngoài trời, các gian hàng phải có mái che vững chãi và kiên cố hơn nhiều so với những tấm bạt vì không phải lúc nào trời cũng chiều lòng người yêu sách.
Theo vnexpress.vn
Tin khác
- Tôi rất khó chịu khi tác phẩm bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng
- Khi nhà văn đi đòi nhuận bút
- Phát động chương trình “Tháng hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4”
- Dịch giả Trung Quốc Chu Ngưỡng Tu: Việt Nam có nền văn học đấu tranh
- Có một phố vừa đi qua phố' đoạt giải Văn học Nghệ thuật thủ đô
- Ngậm ngùi bản quyền sách giáo khoa
- Tái bản sách ảnh "Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”
- Từ 'ngày sách' nhìn sang... phố sách
- Viết theo xu thế, đọc theo phong trào
- Sách của Nguyễn Nhật Ánh 'thống lĩnh' giải FAHASA