Gần 20 năm trước khi ngày đọc sách Việt Nam chính thức ra đời, Hà Nội đã có một "phố sách" Đinh Lễ cho mình, tuy tự phát nhưng lại cực kỳ nổi tiếng.

Và đến giờ, khái niệm "phố sách" ấy vẫn mặc định được dành cho quãng đường vài trăm mét tại Đinh Lễ - cho dù tại không ít con phố khác như Láng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng, số lượng các hiệu sách liên tục mọc lên trong những năm qua.

Phố "sách lậu" hay phố " sách giảm giá"?

Ngắn gọn thì từ khi ra đời, sức hấp dẫn của phố sách Đinh Lễ nằm ở mức giảm giá của những cửa hàng tại đây. So với giá bìa, trung bình mỗi cuốn sách tại Đinh Lễ thường được bán với mức tiền thấp hơn từ 20% - 45%.  Và, đây cũng là ưu điểm luôn được các chủ cửa hàng "quảng cáo" trên băng rôn tại các cửa hiệu, với những dòng chữ: "giảm giá hết cỡ", "giảm giá từ 20- 50%".

Mức giảm giá đặc biệt ấy từng khiến một số độc giả mặc định rằng Đinh Lễ là phố "sách lậu" với chất lượng bản in không tốt. Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ, người ta sẽ thấy chất lượng sách tại Đinh Lễ hoàn toàn tương đương với những tác phẩm đang nằm trên quầy của những siêu thị, hiệu sách lớn khác, thậm chí có cả tem chống giả. Và, giới kinh doanh sách Hà Nội cũng đều đặn "đụng nhau chan chát" tại khu vực đặc biệt này.

Phố sách Đinh Lễ trong ngày 19/4

"Đây là vấn đề liên quan tới mức chiết khấu, cũng như thị trường phát hành sách hiện nay. Và điều này cho thấy khoảng cách giữa những sự năng động của tư nhân trong việc bán sách so với những công ty nhà nước"- giám đốc một công ty xuất bản cho biết.

Theo phân tích của ông, hiện mức chiết khấu phát hành của mỗi cuốn sách trên thị trường vào khoảng 45- 55% giá bìa. Tuy nhiên, các công ty phát hành sách nhà nước có sự cứng nhắc về chính sách, đồng thời lại phải chịu hàng loạt ràng buộc về bộ máy vận hành, hệ thống nhà sách... nên rất khó giảm giá. Ngược lại, với việc chấp nhận hạ giá sách để lấy số lượng sách bán được bù lại, các chủ hàng tại Đinh Lễ vẫn có thể thu được tiền lãi từ một tới vài triệu đồng mỗi ngày.

"Sòng phẳng thì khi xưa, Đinh Lễ cũng từng có sách giả. Nhưng từ bảy tám năm nay, người đọc ngày càng khắt khe và tinh ý hơn. Các chủ hàng ở đây thấy không cần thiết phải kinh doanh loại sách kém chất lượng ấy nữa mà chỉ tập trung vào việc hạ giá "sách thật" ở mức cao nhất để hút khách"- ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Công ty sách Alpha Books, nhận xét. "Bây giờ, chỉ khi có một cuốn sách bị thu hồi và cấm phát hành, người ta mới  thấy những bản sách giả, chất lượng kém được bán để... phục vụ sự tò mò của người mua".

Từ phố "Đô đê" tới phố "Hàng Sách"

Thật ra, trong thập niên 1990, người Hà Nội chủ yếu biết tới phố Đinh Lễ với cái tên lóng : phố "Đô đê." Và, cái tên "Đô đê" này không liên quan gì tới nhà văn Pháp Alphose Daudet ( tác giả cuốn Những vì sao) mà liên quan tới một lý do thực tế hơn nhiều: Đinh Lễ là "chợ trời" mua bán đô-la Mỹ và đê-mác Đức, 2 loại ngoại tệ phổ biến tại Hà Nội khi đó.

Nhưng, cũng trong thời bao cấp, 2 hiệu sách Nhà nước lớn nhất của Hà Nội là Quốc văn và Ngoại văn cũng được đặt tại Tràng Tiền (song song với phố Đinh Lễ) và manh nha biến không gian nơi đây thành vị trí được những người yêu sách quan tâm.

Thử "khảo sát" một vòng, các  chuyên gia trong giới kinh doanh sách Hà Nội đều khẳng định: người mở đầu cho chuỗi cửa hàng sách tại Đinh Lễ là bà Phạm Thị Mão – chủ cửa hiệu sách Mão hiện giờ.

Là cán bộ cũ của Tổng công ty phát hành sách Trung ương, bà Mão và chồng, ông Lê Luy, từ năm 1990 đã kinh doanh một quầy sách bán rong phía cuối đường Đinh Lễ. Kinh nghiệm về thị trường sách, mối quan hệ cũ với các nhà xuất bản và đặc biệt là "mắt xanh" nhìn ra tiềm năng của phố sách song song với Tràng Tiền, (vẫn được coi là trục phố văn hóa của Hà Nội) khiến bà Mão kinh doanh rất tốt. Năm 1993, vợ chồng bà Mão mua được một căn gác nhỏ trong ngõ số 5 Đinh Lễ. Nhà sách Mão ra đời, để rồi vài năm sau, chủ nhân của nó đủ khả năng mua nốt mấy căn phòng bên cạnh. Người đọc sách tấp nập tìm đến, ông Luy cũng không còn phải đứng ở...vỉa hè, giới thiệu độc giả đi vào ngõ như cách đó vài năm.

Hàng loạt sạp, quầy sách "lưu động" gỗ nối tiếp nhà sách Mão mọc lên tại góc đường Đinh Lễ- Nguyễn Xí. Rồi, tới năm 2003, khi Hà Nội quyết định dẹp phố sách đêm vỉa hè để đảm bảo giao thông, các chủ hàng chuyển sang thuê dãy nhà nằm dọc phố Đinh Lễ hiện giờ (đa phần là các gian hàng thiết bị y tế cũ). Bây giờ, phố "Hàng Sách" – như cách gọi của nhiều độc giả - hội tụ trên 20 nhà sách khác nhau, với những cái tên như nhà sách Lâm, nhà sách Huy Hoàng, nhà sách Ngân Nga, nhà sách Hoa. Mặc nhiên, Đinh Lễ trở thành một điểm đến trong không gian văn hóa quanh khu vực Hồ Gươm và thu hút rất đông khách du lịch...

Theo thethaovanhoa.vn