- Tôi cho rằng, từ khi có Luật Sở hữu trí tuệ thì xã hội chúng ta đã văn minh hơn. Bản quyền của nhà văn ở đây, rộng ra còn là bản quyền về mặt tinh thần và cả vật chất. Tôi thấy cũng rất ít nhà văn được hỏi ý kiến khi họ có tác phẩm in sách. Bản thân tôi làm ở Hội Nhà văn nhưng chỉ khi một phụ huynh học sinh gọi điện hỏi về tác phẩm in trong sách, chắc để giảng văn cho con, thì tôi mới biết là mình có tên trong SGK. Tất nhiên tôi đâu có được hỏi ý kiến, cũng chẳng có lấy một đồng nhuận bút, thậm chí không cả sách biếu. 

Trong những cuộc trao đổi mang tính cá nhân sau này, nhiều vị bên xuất bản cứ xuê xoa rằng “NXB cũng vì sự nghiệp giáo dục chung”. Xin lỗi, chúng tôi sáng tạo tác phẩm cũng vì sự nghiệp chung, ai chẳng vì sự nghiệp chung. Nhưng sự nghiệp nào đi chăng nữa thì cũng không được lờ đi những quy định của pháp luật.

 

 

Từng làm việc với nhiều nhà xuất bản trên thế giới, ông thấy họ thực hiện những quy định về tác quyền thế nào?

 

 

 

- Tôi từng làm việc với nhiều nhà xuất bản bên Mỹ, đặc biệt là với những nhà xuất bản phi lợi nhuận. Tôi thấy họ làm về vấn đề bản quyền rất chặt chẽ và rất trân trọng tác giả. Một cuốn sách mà thiếu đi một chữ ký của tác giả thì công trình ấy có công phu đến đâu cũng không thể in được, và họ cũng không dám in bởi như thế là vi phạm pháp luật. Đối với những nhà xuất bản phi lợi nhuận, thì họ vẫn có những thỏa thuận riêng với tác giả. Ở đây tôi muốn nói ngay cả khi xuất bản sách không phải để bán thì họ vẫn thực hiện rất nghiêm túc những quy định về bản quyền.

 

 

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 

 

Hội Nhà văn Việt Nam đã từng có ý kiến gì về vấn đề tác quyền trong SGK?

 

- Năm 2013, Hội Nhà văn có ký với Bộ Giáo dục Đào tạo một văn bản, trong đó có quy định về việc phải trả tiền bản quyền cho các tác giả và đơn vị trực tiếp thực thi là NXB Giáo dục. Quan điểm của tôi là ngay cả SGK phát hành miễn phí đi chăng nữa thì cũng không được sử dụng tác phẩm nếu tác giả không đồng ý xuất bản.

 

Việc thực hiện quyền tác giả không chỉ vì lợi ích của chính tác giả mà quan trọng hơn đó là đã đến lúc chúng ta phải có thói quen sống là làm việc theo pháp luật. Những ý kiến, quan điểm cho rằng vì sự nghiệp chung, theo tôi chỉ là ngụy biện và là quan điểm sai lầm. Xã hội Việt Nam ở giai đoạn này, cơ chế này và ở thời điểm này không thể đòi hỏi những người sáng tạo nghệ thuật “hy sinh vô điều điện” như trong thời chiến. Trong khi đó, SGK là một sản phẩm được kinh doanh thì việc trả tác quyền có gì để bàn cãi? Tôi thì tin rằng rồi NXB Giáo dục cũng sẽ tìm cách trả, tất nhiên về phía Hội Nhà văn chúng tôi sẽ tìm cách đòi. Trừ phi có những yếu tố bất khả kháng thì các tác giả có thể thông cảm. Khi có sự vào cuộc của những chuyên gia pháp lý thì dù 1 đồng cũng phải đòi. 

Tôi có thể lấy ví dụ mà chúng tôi đã thành công. Đầu năm nay, Nhà nước đặt hàng Hội Nhà văn một số tác phẩm viết về 2 cuộc kháng chiến. Trong số tác phẩm được chọn thì bên sân khấu tác giả được trả 100 triệu, còn cuốn tiểu thuyết chỉ được nhận 35 triệu. Hội Nhà văn kiên quyết đấu tranh và sau 8 tháng thì số tiền thù lao cho tác giả cuốn tiểu thuyết đã lên hơn 100 triệu. Thế nên tôi nghĩ cứ quyết tâm là sẽ làm được, dù biết là sẽ khó.

 

 

 
* NXB Giáo dục cố tình lẩn tránh trách nhiệm?

Trong hai số báo liên tiếp, Lao Động đăng tải bức xúc của nhiều nhà văn, nhà thơ có tác phẩm in trong SGK như các nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Trần Đăng Khoa… về việc họ không hề nhận được đồng nhuận bút hay thù lao nào từ NXB Giáo dục dù những tác phẩm ấy đã được NXB này vô tư sử dụng và sách được đem bán cho phụ huynh học sinh. Báo Lao Động cũng có bài phỏng vấn nhà văn Đỗ Hàn - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học cũng như PGS-TS Đỗ Ngọc Thống về vấn đề này.

Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 18/2014 NĐ/CP thì việc NXB Giáo dục phải xin phép và trả tác quyền là điều không phải bàn cãi. Thậm chí, theo tạm tính của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam thì chỉ trong năm 2006 đến 2013 thì NXB Giáo dục đã “nợ” các tác giả số tiền lên tới con số 12 tỉ.

PV Báo Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo NXB Giáo dục thì được thông báo là giám đốc đi công tác nước ngoài, PGĐ đang nghỉ phép. Mọi liên hệ được “đẩy” sang người phụ trách truyền thông của NXB Giáo dục. Vị này muốn nhận được câu hỏi phỏng vấn qua email và cho biết là lãnh đạo NXB Giáo dục sẽ trả lời vào chiều tối 23.9. Tuy nhiên khi chúng tôi liên hệ lại thì đại diện NXB Giáo dục đã kiên quyết không nghe máy và đến 18h cùng ngày thì… tắt máy.

NXB Giáo dục đang cố tình lẩn tránh những thắc mắc của bạn đọc cũng như lảng tránh trách nhiệm với hàng trăm nhà văn, nhà thơ bị họ vô tư dùng tác phẩm mà không trả nhuận bút trong hàng chục năm trời?