GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, đoạn đầu bài thơ 'Thương ông' rất hay, nhưng có một số từ không chuẩn tiếng Việt, gây khó hiểu với học sinh lớp 2 nên phải bỏ. Phần sau rất thú vị, thể hiện tình cảm trong sáng của trẻ con nên thêm vào.

Trước những ý kiến trái chiều, thậm chí bức xúc từ dư luận về việc bài thơ "Thương ông" trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2, tập 1 bị "làm mới" so với bản trước đây, GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên cuốn sách này đã giải thích.

Trả lời báo Tuổi trẻ, GS Thuyết cho biết bài "Thương ông" trước đây được đưa vào sách giáo khoa lớp 4, trong bộ sách hiện hành nằm ở chương trình lớp 2. Theo nguyên tắc lựa chọn, để đảm bảo yêu cầu về số chữ của một bài tập đọc dạy trong một tiết học (dài tối đa 120-150 chữ), nhóm biên soạn không thể đưa trọn vẹn bài thơ gốc (168 chữ). Nhóm đã chọn cách trích đoạn, lược bớt. 

minhthuyet.jpg

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, đoạn đầu bài thơ 'Thương ông' rất hay nhưng có một số từ không chuẩn tiếng Việt, gây khó hiểu với học sinh lớp 2 nên phải bỏ. Ảnh: Quỳnh Trang.

Việc cắt một số câu trong đoạn đầu bài "Thương ông" được GS Thuyết giải thích, dù rất hay nhưng có một số từ không chuẩn tiếng Việt. "Từ "khập khà" (trong câu "Đi phải chống gậy/ Khập khiễng khập khà") là cách viết của nhà thơ để gieo vần, nó hợp lý khi nằm trong chỉnh thể bài thơ nhưng xét ở mục đích dạy tiếng Việt, đó là từ không chuẩn và khó hiểu với học sinh lớp 2".

Việc thêm mới phần cuối đoạn thơ, khác với bản sách giáo khoa cũ, GS Thuyết trả lời rằng, bài cũ cũng chỉ là trích đoạn chứ không phải trọn vẹn nguyên bản. Phần sau của bài thơ, với chi tiết cháu bé bảo ông nói "Không đau! Không đau!", và "Móc túi ra: Biếu ông cái kẹo", dựng lên hình ảnh cậu bé ngộ nghĩnh, có tình cảm trong sáng, cách nghĩ hồn nhiên, rất thú vị. 

"Theo tôi, cái thần của bài thơ nằm ở phần này. Đó là lý do chúng tôi chọn đoạn trích sau. Chúng tôi không hề tùy tiện mà phải nghiên cứu kỹ vì chọn đoạn trích cho học sinh lớp 2 không phải việc dễ", GS Thuyết nói trên Tuổi trẻ

Trước đó, nhiều người đã phản ứng khá mạnh khi đọc bài thơ "Thương ông" trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2, tập 1 hiện hành. Bản mới bị cắt câu và thêm khổ, khác hoàn toàn bài đã gắn bó với bao thế hệ học sinh.

Một số người bức xúc cho rằng, việc cắt một số câu trong phần đầu khiến bài thơ trúc trắc về vần điệu, thiếu hình ảnh thơ ca bóng bảy, khó nhớ, khó cảm nhận. Đoạn bị cắt đi lại là phần thể hiện được rõ ràng nhất cảm xúc của người ông khi nhận được tình yêu thương của cháu trai.

Thêm mới phần cuối của bài gốc với những đoạn đối đáp gây khó nhớ cho những cô cậu học trò còn thiếu kiến thức để có thể hiểu những ngôn từ trúc trắc như thế.

Theo vnepress.net