Ngày 24.9, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi công văn tới Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VHTTDL, Cục Xuất bản thuộc Bộ TTTT để xin ý kiến về cách tính tiền bản quyền mà NXB Giáo dục phải trả cho các tác giả có tác phẩm in trong bộ sách Tiếng Việt từ lớp 1 tới lớp 12. Bởi lẽ, nếu áp dụng khung nhuận bút tại điều 13 Nghị định 18/2014/NĐ-CP thì năm 2014, số tiền bản quyền phải là… 23,7 tỉ đồng, tương đương 1 triệu USD.

NXB cũng… chịu không nổi

Vấn đề nằm ở quy định về khung nhuận bút tại điều 13 Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 14.3.2014 của Chính phủ. Theo đó, công thức áp dụng mức thu tiền nhuận bút cho các tác giả thơ là 12-17% (mục 3 nhóm I), văn xuôi là 8-17% (mục 1 nhóm I) nhân với số lượng sách in và giá bán lẻ.
Như vậy, khung nhuận bút chung là 10% cho lần xuất bản đầu và mỗi lần tái bản thì hưởng thêm 50% mức xuất bản lần đầu.
Nghị định quy định vậy, nhưng căn cứ vào cách tính này thì số tiền mà NXB Giáo dục phải trả là cực lớn. Thậm chí là không tưởng. Căn cứ vào số lượng in (ghi trên bìa) thì riêng bộ sách ngữ văn và tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 đã có doanh thu 40,4 tỉ đồng. Vậy số tiền phải trả tiền tác quyền xuất bản lần đầu là 4 tỉ (tương đương 10%). Thế nhưng con số sẽ trở nên khổng lồ nếu nhân với lần tái bản. Ví dụ sách Tiếng Việt 1, tập 2 in 400.000 bản, tái bản tới 12 lần, sách Ngữ văn 7 tập 1 in 200.000 bản, tái bản 12 lần… Vì thế tiền bản quyền tác giả lên tới… 19,7 tỉ đồng, cộng với 4 tỉ đồng tiền xuất bản lần đầu sẽ cho con số… triệu USD.
Tất nhiên là rất khó, nếu như khẳng định là không thể yêu cầu NXB Giáo dục trả khoản tiền này khi cả năm 2013, NXB Giáo dục chỉ lãi có 8 tỉ đồng.
Điều mà Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả “phải hỏi lại” Cục Bản quyền và Cục Xuất bản bởi có một số ý kiến cho rằng, phải áp dụng mục 12 trong nhóm 1 điều 13 về sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu (theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) mới đúng. Cụ thể, khi đó cách tính bản quyền lại là: Nhuận bút = Tỉ lệ phần trăm (%) x Mức tiền lương cơ sở x Số lượng tiết học theo quy định của chương trình. Ví dụ, một bài thơ được dạy trong 1 tiết học theo quy định sẽ nhận nhuận bút là (khoảng)…150.000 đến 200.000 đồng căn cứ theo công thức trên.
Nhưng như vậy sẽ tạo ra độ chênh lệch quá lớn giữa hai cách tính.
Sẽ ngồi lại để thương thảo
Ngày 14.8.2014, Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Giáo dục đã có một cuộc họp với nội dung rất đáng chú ý là “Trao đổi về việc chi trả tiền bản quyền các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong bộ SGK ngữ văn từ lớp 1 tới lớp 12”. Buổi làm việc trên có đại diện NXB Giáo dục là ông Phạm Ngọc Tới - Phó TBT NXB Giáo dục, ông Đàm Quang Hải - Phó ban quản lý xuất bản và các chuyên viên. Tại đây, ông Phạm Ngọc Tới đưa ý kiến: “NXB Giáo dục tôn trọng quyền của các tác giả theo Luật Sở hữu trí tuệ và sẽ hợp tác với Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả văn học Việt Nam để thực hiện đầy đủ về bản quyền”.
Kết luận cuộc họp trên, hai bên đã tiến hành biên bản ghi nhớ để thống nhất về việc chi trả bản quyền sử dụng trong SGK. Cụ thể: Đối với SGK xuất bản năm 2014, hai bên (NXB Giáo dục và Trung tâm Bảo vệ bản quyền) sẽ đối soát và bàn bạc thống nhất phương án chi trả. Đối với những ấn phẩm từ 2013 trở lại đây, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi và tìm quan điểm. Nguyên tắc chi trả theo chế độ Nghị định 61/2002 và Nghị định 18/2014 của Chính phủ về nhuận bút.

Đầu tháng 10 tới đây, Hội Nhà văn và NXB Giáo dục sẽ tiếp tục có những cuộc họp bàn về vấn đề bản quyền, đặc biệt là phương thức tính nhuận bút sau khi đã có hướng dẫn của Cục Xuất bản và Cục Bản quyền. Bước đầu, NXB Giáo dục cam kết chi trả bản quyền, nhưng bao nhiêu, như thế nào thì vẫn phải chờ…

Theo laodong.com