Sáng 10/1/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có buổi Lễ ký kết Chương trình phối hợp “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013 – 2020”. Đây là một dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới, thể hiện tinh thần hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến dự buổi Lễ ký kết, phía Bộ GD&ĐT có các đồng chí lãnh đạo, các chuyên viên: GS. TS. Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng, Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học, Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Đặng Quang Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Nguyễn Minh Khang – Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục… Phía Hội Nhà văn Việt Nam có: nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN; nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội, TBT tuần báo Văn nghệ; nhà văn Khuất Quang Thụy – Trưởng ban Kiểm tra, Phó TBT tuần báo Văn nghệ, TBT Website Hội Nhà văn VN; cùng các nhà văn, nhà thơ là Ủy viên BCH Hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan cấp hai của Hội Nhà văn VN. Ngoài ra còn có các cơ quan báo chí Trung ương và Hội Nhà văn VN đến dự và đưa tin.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn thông qua nội dung văn bản ký kết Chương trình phối hợp “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013 – 2020” (sẽ đăng toàn văn trên VanVN.Net). Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT GS. TS. Phạm Vũ Luận và nhà thơ Hữu Thỉnh đã ký văn bản Chương trình phối hợp.

----------

GS. TS. Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu: “Chương trình phối hợp giữa Hội Nhà văn VN và Bộ GD&ĐT thực sự mang một ý nghĩa rất quan trọng, đây là một trong những nhiệm vụ của ngành giáo dục nhằm thực hiện Nghị quyết số 23/NQTW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới” và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Cùng với Hội Nhà văn VN, Bộ GD&ĐT góp phần vun đắp và xây dựng một cách toàn diện về nhân cách, tình cảm, nhận thức của thế hệ trẻ trong xã hội mới. Với những chương trình hành động cụ thể, chúng ta sẽ cùng khẳng định lại vị trí của các môn khoa học xã hội nói chung và bộ môn văn học nói riêng trong nhà trường cũng như trong đời sống xã hội. Bộ GD&ĐT đã ý thức sâu sắc vai trò của ngành giáo dục đối với việc phát triển văn học nghệ thuật, bởi môi trường giáo dục chính là nơi tạo ra công chúng văn học, đồng thời cũng là nơi tạo thành các tác giả văn học…” Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kết luận: “Giáo dục là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội để nâng cao chất lượng dạy, học, thi cử… Chúng ta hy vọng việc ký kết Chương trình phối hợp “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013 – 2020” sẽ mở ra nhiều hình thức, nội dung, phương hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả để góp phần xây dựng một nền giáo dục, một nền văn học phát triển bền vững.” Thay mặt Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói lời cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam trong suốt thời gian qua đã có nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến tích cực cho việc đổi mới giáo dục.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ sự vui mừng trước tinh thần hợp tác, nhất trí cao trong Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan. Ông đánh giá: “Những năm qua, Hội Nhà văn VN và Bộ GD&ĐT đã xây dựng được tình cảm tốt đẹp, tạo nên mối quan hệ gắn bó, gần gũi. Trong thời gian tới, Hội Nhà văn VN mong muốn sẽ đưa được nhiều tác phẩm hay vào nhà trường, vì đây là “địa bàn” đặc biệt để các tác giả có thể đến với bạn đọc gần hơn, nhanh hơn. Trong sự phát triển của đất nước, xã hội hiện nay, tư duy lí tính ngày càng phát triển, nhưng nếu không có sự cân xứng với tâm hồn và thẩm mỹ thì sẽ mất cân bằng. Nhà trường có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn và thẩm mỹ cho con người. Việc ký kết Chương trình phối hợp là khởi đầu cho bước ngoặt phát triển mới mà Hội Nhà văn VN muốn ghé vai chia sẻ trách nhiệm với Bộ GD&ĐT. Nhưng muốn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đó, bản thân mỗi nhà văn cần phải ý thức được rằng: trước hết phải viết hay.”

Nhà thơ Hữu Thỉnh nói thêm: “Tôi muốn thay mặt các nhà văn Việt Nam nói lời cảm ơn đối với ngành giáo dục, bởi lẽ không có nhà văn nào không từng qua trường học, những người thầy đã góp phần rất lớn đào tạo nên các nhà văn. Vì thế, trong lòng các nhà văn Việt Nam, nhà trường luôn luôn, đã và sẽ mãi mãi là “Thánh đường” của văn chương. Trong ngành giáo dục đã có hơn 100 nhà giáo là hội viên Hội Nhà văn VN, bản thân điều này đã là một sự phối hợp, gắn bó rất tự nhiên. Bằng tài năng và tình cảm của mình, các nhà văn – nhà giáo sẽ ngày càng có nhiều sự chia sẻ, hợp tác sâu sắc hơn nữa, vì một nền văn học Việt Nam phát triển.

                                                                             Theo vanvn.net