Sáng 11/9, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2013.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn và PGS.TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.

 

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đánh giá cao những nỗ lực vượt khó của các cơ quan báo chí nói chung và báo chí văn nghệ trên địa bàn toàn quốc nói riêng. Thứ trưởng nhấn mạnh, mặc dù chịu nhiều tác động và ảnh hưởng của tình hình kinh tế bị suy thoái nhưng đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí vẫn có sự phát triển đáng kể cả về số lượng, chất lượng, hình thức và nội dung thông tin…

Tính đến tháng 8/2013, cả nước có trên 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và báo chí văn nghệ của một số bộ, ngành. Hệ thống các cơ quan báo chí chuyên ngành văn học, nghệ thuật cũng như các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về văn học, nghệ thuật của các cơ quan báo chí đã giúp cho độc giả, công chúng có thêm nhiều lựa chọn trong việc tìm hiểu, khám phá và cảm thụ về văn học, nghệ thuật; đồng thời cũng khẳng định vai trò, vị thế của báo chí văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí văn nghệ, nhất là trong điều kiện bùng nổ thông tin và sự phát triển của internet, sự cạnh tranh của hệ thống báo, đài nước ngoài; vai trò của Tổng Biên tập, Ban Biên tập các cơ quan báo chí trong việc lãnh đạo, quản lý và điều hành đơn vị đảm bảo đúng Luật Báo chí và các quy định của Đảng, Nhà nước; những mặt tích cực và hạn chế từ một số cơ chế, chính sách đối với báo chí văn nghệ; hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách có liên quan để tạo điều kiện cho báo chí văn nghệ phát triển; công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực báo chí văn nghệ cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của báo chí văn nghệ…

Các đại biểu cũng đã phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của báo chí văn nghệ hiện nay; các xu thế và giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí văn nghệ; đồng thời thảo luận về những định hướng hoạt động của báo chí văn nghệ trong thời gian tới./. 

Theo tonvinhvanhoadoc.com