Tập tạp bút Những chuyến đi một mình (ảnh, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2014) của Đinh Lê Vũ ít để lại dấu ấn với người đọc lướt qua, vì nó thiếu những tình tiết gây cấn, những phát hiện bất ngờ, nhưng với người đọc nhẩn nha thì khác, nó thu hút vì cảm nhận sâu lắng.

Đinh Lê Vũ dường như luôn muốn tích trữ những kỷ niệm - dù nhỏ nhoi và mong manh nhất - trong từng ánh nhìn của mình. Chính vì thế, khi đi qua nơi quen thuộc hay xa lạ, khi bắt gặp những ấn tượng, thường rất tinh tế, anh đều ghi nhớ, sắp xếp và kể lại bằng cái nhìn chắt lọc - đây là phương cách cấu thành của nhiều tạp bút trong tập này. Cách viết này thuộc diện quý hiếm hiện nay, nếu so với các tác giả tạp bút khác, khi đa số chọn hướng kể chuyện gây cấn, tích hợp thông tin, bày tỏ quan niệm, tri thức, triết lý… Cách viết này có hai thách thức lớn, đầu tiên là cần sự quan sát tinh tế, biết phát hiện những thay đổi nhỏ nhặt nhất, để qua đó nâng thành kỷ niệm. Kế đến là cần sự chia sẻ của độc giả, nếu họ thiếu cái nhìn đồng cảm về sự lắng nghe cuộc sống thì sẽ dễ dàng quy kết các tạp bút này nhạt nhẽo.

Những nơi mà Đinh Lê Vũ kể lại trong tập này khá quen thuộc, ai ham thích đi đều đã đến; những sự, những vật, những ý, những tình… cũng bình thường như thế. Và dường như Đinh Lê Vũ không cốt khoe sự mới mẻ hay phát hiện lại những chuyến đi này, mà chủ yếu qua đó tích trữ những cảm nhận bằng con mắt nhà văn trước các đổi thay mà không để ý thì khó nhận ra. Giống như người thư ký của đời sống, Đinh Lê Vũ tỉ mẫn ghi chép, rồi phác họa lại bằng cảm xúc của mình lúc đó. Trong cuộc sống ngày càng vội vã do tác phong công nghiệp đang thắng thế, giữ được tâm thế như Đinh Lê Vũ thiệt là khó.


 

Cách viết này mới nhìn tưởng đã cũ kĩ, nhưng trong thời đại mà các suy nghĩ thoáng qua, thậm chí vô nghĩa, nhảm nhí đều có thể được xuất bản bởi facebook hay các trang mạng xã hội, nó tự nhiên hợp thời. Tại trang chính của facebook, khi bạn viết nhanh một cái gì đó thì được gọi là “status”, cái này thường được hiểu là một “trạng thái”, nơi để bày tỏ tâm trạng. Thế nhưng đôi khi “status” cũng được hiểu là “địa vị xã hội”, là “uy tín”, là “tư cách pháp nhân”… theo nghĩa chủ facebook đó hoàn toàn có đủ thẩm quyền để viết và xuất bản những suy nghĩ của mình, dù chỉ là cảm nhận mơ hồ, thoáng qua.

Là một người có gắn bó với facebook, chắc chắn nhiều tạp bút của Đinh Lê Vũ đã được tái cấu trúc và “nâng quan điểm” từ những “status” như vậy. Nhìn như vậy để thấy rằng tác giả đã chủ đích chắc lọc từ vô vàn những “status” để có được những tạp bút đầy đặn, ưng ý hơn.