Những người lữ thứ tha hương, điều gì có thể mang theo khi ở trong lòng một không gian xa lạ? Nếu không phải văn hóa ăn mặc, ứng xử, thì hẳn nhiên sẽ là những món ăn dân dã quê hương mình.

Khởi sự là một kỹ sư Đầu máy Diesel tại Rumani, đã có nhiều đóng góp cho ngành đường sắt Việt Nam, tưởng chừng sự khô khan về lý trí đã che đi sự mềm yếu tâm hồn, thế nhưng, bên trong vị kỹ sư này, còn rất nhiều mơ mộng ấm áp dành cho văn chương. Thế nên, điều thú vị khi đọc cuốn sách, là được gặp một tâm hồn nhân hậu, biểu cảm, tinh tế qua những trang viết về ẩm thực dân gian Việt. Chúng ta vừa được ăn bằng hình ảnh sinh sôi từ cảm giác, lại vừa được nếm cái tình trong mỗi món ăn, từ “Bánh tro mùng năm”, “Bún bò Nam bộ”, “Bún chiều”, “Cơm rượu Sapa”, “Dưa cà”, “Canh hến bánh tráng”, “Mì Quảng”, “Mít non”, “Nem, tré”, “Rau muống đầu mùa”, “Bánh giò bánh gói”, “Hỏi ai bánh hỏi”, “Bánh sừng trâu, “Bánh xèo”, “Bánh tét”, “Bánh đối kho dưa”… đến “Mắm tôm”, “Mắm sò”, “Mắm rươi”…

Ờ nhỉ, mớ bông bí vàng tươi, những đọt bí xanh non tước vỏ nhám, xào nhiều dầu một tí, xanh màu lá, vàng màu hoa, bùi quện với béo, mới chỉ trong chảo thôi, con mắt chị đã hau háu, nước miếng đã tứa ra từ trong miệng em…” (tr.45, Từ bếp ngon ra). 


 

Đọc lên những dòng văn ấy, nghe vị đã thèm thuồng, để rồi đi vào từng con chữ đặc tả cho từng món ăn, kèm câu chuyện gợi kỷ niệm bình dị thân thương của người thân bạn hữu trong khung cảnh thơ mộng, lại thấy yêu thêm đắng cay ngọt bùi thơm thảo trong tinh thần qua món ăn của dân dã quê mình.

“Mùi thơm nồng nàn của tía tô, cay ngọt của kinh giới, hăng hắc mùi tàu, quyến rũ của quế, tha thiết của hung Láng, tinh nghịch của ngổ, thoắt ẩn thoắt hiện của hành hoa, sực nức của tần ô… cùng lúc gọi mời, khiến ta không thể không cầm đũa tận hưởng hương hoa của đất trời dành cho mình, cảm nhận quê hương thật giản dị, gần gũi” (tr.62).

Từ ký ức hiển hiện, thường những món ăn cảm thấy ngon nhất, thường được nấu bởi người mình thương yêu nhất, đó là mẹ.

Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, ăn một món, nếu biết rõ về cách thức chế biến, hay ngọn nguồn khởi sự ra, thì đã là điều kỳ thú, và nếu được nêm nếm bởi tình yêu thương, thì không gì ngọt dịu bằng. Thế nên, tác giả Hoàng Trọng Dũng (1948 - 2013) đã viết cuốn sách, để tặng những người mẹ, người vợ. Và sâu thẳm hơn, là những người đàn bà mang trái tim nhân hậu của “Mẹ”.

An Vũ