Một trong những cuốn sách có uy tín nhất về chiến dịch Điện Biên Phủ trên thế giới là của một phóng viên chiến trường kiêm nhà sử học “liên hợp quốc”, Bernard B.Fall. Đó là cuốn Hell In A Very Small Place: The Siege Of Dien Bien Phu (1966), được dịch ra tiếng Việt với tên Điện Biên Phủ, một góc địa ngục (2004), NXB Công an nhân dân.

Gọi là “Liên Hợp Quốc” vì Fall là người Áo, gia đình từng là nạn nhân của Đức quốc xã, bản thân ông từng sinh sống ở Pháp rồi định cư tại Mỹ. Trong sự nghiệp báo chí và nghiên cứu lịch sử, ông được coi là chuyên gia về Đông Dương, là tác giả không thể không đọc đối với công chúng nước ngoài về đề tài Việt Nam.

Tóm lại, vừa là một nhân vật có tính quốc tế, vừa viết về Điện Biên Phủ từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, người quan sát thời cuộc chứ không phải người trong cuộc, Fall có lợi thế khách quan hơn so với nhiều tác giả nước ngoài khác khi viết về Điện Biên Phủ.

Tác phẩm đặc biệt của một người ngoài cuộc

Năm 1962, khi được giao đề tài về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Fall bắt tay vào tìm kiếm tư liệu. Ông yêu cầu các nhà chức trách Pháp cho ông tham khảo những tài liệu chính thống, tiếp xúc với những người lính còn sống sót. Lính Pháp thì còn vô khối và là một kho tư liệu khổng lồ. Nhưng ông “hết sức ngạc nhiên” khi nhận ra không ai quan tâm thu lượm lời kể của những đối tượng không phải là người Pháp: lính lê dương, lính Bắc Phi và lính Việt Nam, những người hợp thành 70% lực lượng góp mặt trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau đó, Cộng hòa Algérie cho phép Fall tiếp xúc với những binh lính của nước này từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Nhưng vẫn còn một mảng khuyết lớn: góc nhìn Việt Nam.

 


Tác phẩm Điện Biên Phủ, một góc địa ngục của Bernard B.Fall 2 bản tiếng Anh và tiếng Việt

Cùng năm 1962, Fall đến miền Bắc Việt Nam, nơi ông kể lại là “tôi không gặp một khó khăn nào để tiếp xúc được với những con người kiêu hãnh kể lại chiến thắng của họ”. Ông viết: “Dễ dàng nhận ra họ ở huy hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn cho họ: cái huy hiệu ấy họ đeo cả khi ăn mặc thường dân. Thành thử hóa ra người lái xe cho tôi đã từng là xạ thủ đại liên ở Điện Biên Phủ”. Qua giọng kể thấy rõ Fall giữ thái độ bạn bè, không thù địch với các nguồn tin. Một kho tư liệu khổng lồ đầy hấp dẫn nhưng cũng đủ phức tạp để làm nản lòng bất cứ người viết non tay nào.

Fall không chọn cách dựng lại câu chuyện tổng thể từ tất cả tư liệu mà ông tập hợp được. Ông ghi lại tất cả dưới dạng lời kể trực tiếp và thừa nhận đó là những câu chuyện chỉ được bản thân người kể xác nhận, ngoài ra không có cách nào chứng nhận có hoàn toàn là sự thật lịch sử hay không. Cuốn sách khi ra đời được đánh giá là một trong những tác phẩm tư liệu phổ biến nhất trên thế giới về chiến dịch Điện Biên Phủ, với một cái tên ấn tượng, nếu dịch đầy đủ là Cuộc bao vây Điện Biên Phủ - Một góc nhỏ của địa ngục. Fall khẳng định lập trường của mình rõ ràng ngay từ đầu sách: Ông nói với nhà chức trách Pháp rằng “chuyện kể lại chính xác một cách khoa học những gì đã diễn ra ở Điện Biên Phủ sẽ không là sự ca ngợi các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Pháp ở Viễn Đông”. Rất sòng phẳng.

Riêng tác giả, vào năm 1967, không lâu sau khi tác phẩm ra đời, ông đã nằm lại trên chính mảnh đất Việt Nam. Fall chết khi xe jeep của ông lăn bánh trúng một quả mìn trên chiến trường tỉnh Thừa Thiên. Năm đó ông mới 40 tuổi, để lại vợ và 3 con nhỏ. Bạn đồng hành của ông là nhiếp ảnh gia chiến trưởng người Mỹ Byron G.Highland cũng chung số phận. Cái chết của Fall được nhà văn Hữu Mai (tác giả tiểu thuyết đầu tiên về Điện Biên Phủ, Cao điểm cuối cùng, và cũng là người chấp bút hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Điện Biên Phủ) đánh giá là sự hy sinh của “một người đã đứng bên chúng ta trong suốt cuộc trường chinh giành tự do”.


Nhà sử học kiêm phóng viên chiến trường Bernard B.Fall

Chỉ Tướng Giáp mới đủ thẩm quyền viết về Điện Biên Phủ

“Cần nói ngay rằng hầu hết những tài liệu có ở Điện Biên Phủ - nhật ký hành quân, văn bản những bức điện trao đổi giữa các đơn vị… - đã bị thiêu hủy trước khi tập đoàn cứ điểm thất thủ, hoặc đã rơi vào tay quân cộng sản. Thêm nữa, duy chỉ có Quân đội nhân dân Việt Nam là có tiến hành một cách quy củ việc nghe những người còn sống sót báo cáo lại ngay sau trận đánh. Nói đúng ra thì chỉ có Tướng Võ Nguyên Giáp là có đủ thẩm quyền để viết cuốn sách này” - đây là một đoạn trích trong cuốn Điện Biên Phủ, một góc địa ngục của tác giả Bernard B.Fall.

Đó là năm 1967. Sau này, Tướng Giáp đã xuất bản các cuốn sách tư liệu - hồi ức về đề tài này, gồm: Đường tới Điện Biên Phủ (NXB Quân đội nhân dân năm 1999) và Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử (NXB Quân đội nhân dân năm 2001).

Nhận định của Fall thể hiện sự tôn trọng chân lý: sự thật chỉ được tập hợp đầy đủ nhất có thể qua lời kể của càng nhiều người càng tốt, ở đây là “những người sống sót” từ Điện Biên Phủ. Hồi ức của cả một tập thể phức tạp phản ánh câu chuyện gần với lịch sử hơn hồi ức của một cá nhân (tức là các hồi ký cá nhân). Bản thân ông, khi viết Điện Biên Phủ, một góc địa ngục, cũng đã cố gắng tập hợp hồi ức của một tập thể lớn. Điều này giải thích vì sao nhà văn Hữu Mai coi đây là “một công trình trung thực, đầy đủ nhất của phương Tây viết về Điện Biên Phủ”.

Theo thethaovanhoa