Lịch sử chỉ có một nhưng có rất nhiều cách đánh giá về lịch sử, có đánh giá đúng, có đánh giá sai, tùy cách nhìn của từng người. Sự kiện lịch sử càng lui vào quá khứ, việc đánh giá nó ngày càng hấp dẫn nhiều người. Năm tháng trôi qua, những người trong cuộc, những nhân chứng thưa vắng dần còn lại chỉ là những dòng chữ, những tác phẩm nghệ thuật. Bởi thế, nhiều khi sự kiện lịch sử, hình ảnh những nhân vật lịch sử được lưu lại rất xa nguyên gốc, có trường hợp ngược lại nguyên gốc, trở thành những bí ẩn, tồn nghi để ngỏ, không lời giải đáp. Không kể những bí ẩn của thế giới, ngay ở nước ta cũng đầy rẫy những chuyện tương tự. Ngày 30-4-1975 giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc thuộc loại những sự kiện như thế. Chính vì vậy, những người trong cuộc, những nhân chứng, những trí thức có lương tri, bằng sự khách quan, trung thực của mình, với tất cả những phương tiện có thể có,  nên cố gắng ghi lại lịch sử đúng như nó đã xảy ra, đúng bản chất của nó. Khi ta chết đi rồi, chỉ còn lại những quyển sách, những tác phẩm nghệ thuật. Nó sẽ thay ta nói những điều ta biết, ta nghĩ với mai sau.

Với ý nghĩ như thế, sau khi đọc cuốn sách Biên bản chiến tranh - 1,2,3,4-1975 của Trần Mai Hạnh, tôi viết bài này.

Trước hết, đây không phải là bài báo tâng bốc, lăng xê nhau. Tôi với Trần Mai Hạnh học cùng một trường, một khoa chỉ cách nhau lớp trên lớp dưới; khi tốt nghiệp lại công tác cùng cơ quan gần 30 năm nhưng không phải vì thế mà mọi việc Trần Mai Hạnh làm tôi đều cho là hay, mọi sóng gió anh phải chịu tôi đều có mặt. 

Nhưng với quyển sách này, anh đã thuyết phục được tôi, cuốn tôi theo anh suốt gần 450 trang bởi tấm lòng của anh với đất nước, bởi sự trung thực, khách quan; bởi sự tỉnh táo, bình tĩnh đến lạnh lùng; sự công bằng đầy quả cảm trước lịch sử. Bằng những bằng chứng gốc không thể tranh cãi, có nguồn gốc xuất sứ, có thể kiểm chứng được vào ngày hôm nay, kết quả của hàng chục năm sưu tầm, lưu giữ đầy ý thức, Trần Mai Hạnh qua cuốn sách này bác bỏ mọi sự xuyên tạc, ngụy trá của một số người về cuộc chiến tranh mà dân tộc ta đã trải qua suốt hai chục năm, tiêu biểu nhất là 4 tháng Tổng tiến công Mùa Xuân mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Từ những tư liệu của phía bên kia, không nhục mạ kẻ thua trận; không lên gân lên cốt; không mê tín giáo điều, bắt đầu từ việc giải phóng tỉnh Phước Long, anh đã chứng minh sự rệu rã tận gốc của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu khi không còn Mỹ. Cuộc thua trận đầu năm 1975 có nguồn gốc từ bên trong, đó là sự ra đi của Mỹ sau hiệp định Paris. Trái với một số người đang rêu rao “đây là cuộc nội chiến”, là “người anh thắng người em”, Trần Mai Hạnh vạch ra rằng đây là cuộc chiến thắng của những người yêu nước ở cả hai miền trước cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ được sự hỗ trợ tích cực của một chính quyền vì lợi ích của mình mà sẵn sàng bán nước để được dựa vào ngoại bang, duy trì chiến tranh. Chính quyền đó gồm những con người tuy thống nhất với nhau vì lý tưởng chống cộng nhưng lại coi thường nhau, mâu thuẫn sâu sắc với nhau, sẵn sàng diệt nhau vì quyền lợi ích kỷ của mình. Khi lâm nguy thì hèn nhát, từ bỏ lý tưởng, đồng ngũ và cả số phận của chính quyền để thoát thân. Chính quyền đó trông cậy vào người đứng đầu xảo quyệt, toan tính cá nhân, khi cần thì chối bỏ trách nhiệm, sống chết mặc bay. Trong những chương cuối, Trần Mai Hạnh cũng phơi bày quan hệ ích kỷ, giả dối giữa Mỹ và chính quyền Thiệu. Mỹ thì kiệt quệ, mệt mỏi vì không còn ý chí. Thiệu và một lũ cơ hội thì trông ngóng sự cứu giúp, ban ơn của Mỹ mong cứu lấy chiếc ghế của mình. Những việc làm và lời nói của Thiệu, của Nhã chỉ là tâm trạng hậm hực, hờn giận của những kẻ bị chủ bỏ rơi mà thôi.

Lâu nay, quen nghe những thông tin quân Giải phóng ào ào xốc tới, thế như chẻ tre trước một đội quân đổ vỡ, tháo chạy hỗn loạn, nhiều người nghĩ rằng cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân 1975 là sự kết thúc 20 năm chiến tranh có phần dễ dàng trên thế thượng phong. Nhưng qua cuốn sách này, người đọc hiểu ra không phải như vậy. Nếu không nghi binh thành công ở Tây Nguyên, nếu không có chủ trương tranh thủ thời cơ “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới…”, nếu không có mạng lưới quân báo tài tình, phán đoán đúng khả năng Mỹ không can thiệp trở lại mà dũng cảm xông lên, nếu không có dòng người di tản “gậy ông đập lưng ông”… để 1.200.000 quân được trang bị tận răng cùng hệ thống tướng tá của chúng hồi phục tinh thần, chấn chỉnh đội ngũ phòng thủ, hết Huế đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Xuân Lộc. Nếu không có trận thắng Xuân Lộc-Long Khánh, cuộc chiến bảo vệ cầu Rạch Chiếc với sự hi sinh to lớn của quân giải phóng; nếu không có sự bạc nhược, cơ hội của không ít chính khách, tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa thì chưa chắc chúng ta đã chiếm được Sài Gòn hoặc không thể chiếm được Sài Gòn. Nếu ý chí “tử thủ” của những người bên kia chiến tuyến giữ vững như không ít người trong họ mong muốn, chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng hoàn toàn nhưng là trận chiến máu lửa, không hề có chuyện ăn may. Nó là kết quả tất nhiên của nhiều năm tháng cả dân tộc phải đầu rơi, máu chảy và là một trận chiến cuối cùng khốc liệt nhất. Nhân đây, tôi nghĩ đến những người nghi ngờ tính tất yếu của cuộc chiến tranh. Họ ảo tưởng cho rằng có thể tìm một con đường khác ít tốn máu xương hơn để thống nhất đất nước. Có người cực đoan hơn khi còn nghi ngờ cả hiệu quả của cuộc chiến. Tôi thì nghĩ rằng may mà từ thời ấy, nước ta thống nhất được đất nước, nếu như không có chiến thắng 1975 như cuốn sách đã mô tả thì nước ta chưa biết đến bao giờ được thống nhất, chưa bàn đến chuyện được độc lập tự chủ như ngày nay .

Trần Mai Hạnh gọi cuốn tiểu thuyết tư liệu của anh là Biên bản chiến tranh. Với phong cách biên bản, cuốn tiểu thuyết không ham những chi tiết rườm rà, không có những đoạn “trữ tình ngoài đề “ mang màu sắc chủ quan, ngay với nhân vật, anh cũng để những hành động của họ tự nói lên, không thêm thắt, suy diễn. Với một số người, tiểu thuyết của anh hơi khô, nặng về tư liệu, lấy văn học làm phương tiện mà thôi. Tôi nghĩ khác, chính bằng lối viết đó, Trần Mai Hanh đã chiếm được lòng tin của người đọc, giá trị quan trọng nhất của thể loại tiểu thuyết này. Nếu cần nói về nhược điểm thì chỉ nên nói rằng vì lấy sự chính xác làm mục tiêu hàng đầu, nhiều khi anh hơi nệ tư liệu, ham tư liệu mà quên đi nhiệm vụ quan trọng khác của một nhà văn là xây dựng hình tượng nhân vật văn học. Nhiều nhân vật của anh còn mỏng,  một số trang nghiêng sang báo chí, thấp thoáng sự minh họa.

Nhưng vượt qua những nhược điểm đó, bằng nội dung của nó, Biên bản chiến tranh- 1,2,3,4-1975 là một cuốn sách quí. Điều đáng nói nữa là sự khâm phục của tôi trước một nhiệt huyết sắt đá, một niềm tin vững chắc vào lý tưởng cũng như bản thân mình để Trần Mai Hạnh có đủ nghị lực, nhiệt tình và quyết tâm hoàn thành cuốn sách này. Một cuốn sách như vậy, chỉ riêng sự hiện điện của nó thôi, đã đáng đọc lắm rồi.

 

(Nguồn: Văn nghệ số 21/2014)