Bộ phim The Jungle Book đang gây sốt rạp chiếu toàn cầu sau khi ra mắt cuối tuần trước. Tác phẩm dựa trên tập truyện đồ sộ cùng tên của nhà văn Anh lừng danh đầu thế kỷ 20 - Rudyard Kipling. Tập sách gồm những câu truyện ngụ ngôn về các loài sinh vật sống trong rừng Seeonee ở Ấn Độ.

Xuất bản năm 1894, truyện gốc mau chóng trở thành tác phẩm kinh điển của dòng văn học thiếu nhi. Khi viết cuốn sách này, nhà văn hơn 30 tuổi chưa bao giờ đặt chân đến khu rừng Seeonee, ông chỉ đưa vào tập sách mọi thứ ông đọc, nghiên cứu, nghe và mường tượng về rừng Ấn Độ.

Nguồn cảm hứng sáng tác cho The Jungle Book của Rudyard Kipling đến từ tình yêu thiên nhiên nhiệt đới Ấn Độ mà ông gắn bó từ nhỏ rồi khao khát được trở về khi lớn lên.

tac-gia-cau-be-rung-xanh-va-cu-soc-hai-lan-mat-con

Tác giả Judyard Kipling.

Rudyard Kipling sinh năm 1865 trong một gia đình người Anh ở Bombay, Ấn Độ. Tuổi thơ hạnh phúc tại đất nước nhiệt đới đẹp đẽ chấm dứt khi Rudyard lên sáu tuổi. Thời ấy, các gia đình người Anh ở thuộc địa Ấn Độ thường gửi con gái về vương quốc cho theo học nội trú. Trong hồi ký ông viết 65 năm sau, nhà văn gọi thời gian sáu năm sống quản thúc thiếu thốn tình thương trong trường nội trú Anh là địa ngục. Ông luôn hoài niệm về Ấn Độ giàu màu sắc - nơi ông coi là quê nhà.

Năm 1877, cha mẹ ông về Anh rồi chuyển con sang học tập ở trường quân đội. Hết trung học năm 16 tuổi, Rudyard được cha xin vào làm biên tập cho một tờ nhật báo. Một năm sau, tác giả được thỏa ước mơ trở về Ấn Độ nhờ chuyến công tác làm báo.

Nhà văn nhớ như in cảm xúc khi vừa đặt chân lên đất Ấn Độ: "Tôi thấy mình đã trở lại ngôi nhà Bombay, đi giữa những cảnh vật và mùi hương khiến tôi phải thốt lên những câu tiếng địa phương mà chính tôi cũng chẳng hiểu. Tôi lên chuyến tàu kéo dài 3-4 ngày để tới Lahore, thành phố cha tôi sống. Ngay lúc ấy, tôi biết mình đã quên mọi năm tháng ở Anh". Gần một thập kỷ tuổi thanh niên gắn bó với Ấn Độ và làm báo sau đó cho ông dồi dào kinh nghiệm sáng tác. The Jungle Book và những cuốn tiểu thuyết của ông hầu như đều lấy bối cảnh ở xứ Nam Á nhiệt đới này. 

Năm 1892, tác giả 29 tuổi kết hôn với người vợ 26 tuổi. Cùng năm, vợ ông sinh con gái đầu lòng. Làm cha mang lại cho Kipling nguồn cảm hứng viết truyện. Khi xuất bản The Jungle Book năm 1894, tác giả đề tặng con gái: "Cuốn sách này thuộc về Josephine Kipling, được viết bởi cha cô bé. Tháng 5 năm 1894".

Tuy nhiên, con gái ông chưa kịp thưởng thức cuốn sách thì đã qua đời năm lên sáu tuổi. Năm 1899, sau một chuyến đi tới Mỹ, Rudyard Kipling và con gái đầu lòng Josephine Kipling mắc bệnh viêm phổi. Josephine qua đời khi chỉ mới 6 tuổi, bản thân nhà văn cũng suýt không qua khỏi. Sự ra đi của Josephine khiến trái tim Kipling tan vỡ. Tác giả thường chia sẻ mình không bao giờ hết tổn thương vì mất mát quá lớn đó. 

tac-gia-cau-be-rung-xanh-va-cu-soc-hai-lan-mat-con-1

Sách gốc "The Jungle Book" ban đầu được viết dành cho con gái ruột của Kipling - người qua đời 4 năm sau khi truyện được xuất bản.

Sau cái chết của con gái, ông tiếp tục viết và xuất bản những tập truyện dành cho thiếu nhi, song song với tiểu thuyết và thơ. Những năm đầu thế kỷ 20, từ 1901 đến 1912, là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của Rudyard Kipling. Năm 1907, ông nhận giải Nobel Văn học. Đây là một vinh dự lớn lao, bởi giải Nobel mới bắt đầu được trao từ năm 1901 và Rudyard Kipling là người nói tiếng Anh đầu tiên nhận giải thưởng này. 

Theo nxbcand.com

 

 

 

Giữa đỉnh cao sự nghiệp, Rudyard trải nghiệm nỗi đau mất đi người con thứ hai (trong tổng số ba con) vì chiến tranh. Năm 1914, Thế Chiến I nổ ra và con trai út của ông - John Kipling - tròn 18 tuổi. Chàng trai khao khát tham gia quân đội nhưng do thị lực kém nên luôn bị loại ở các cuộc tuyển quân. Rudyard Kipling dùng mối quan hệ của mình với các vị chỉ huy trong quân đội để John được tham gia vào Binh đoàn bộ binh Ireland (một phần của quân đội Anh lúc bấy giờ). Một năm sau, John Kipling chết trận mất xác. Tới đầu năm nay, người ta mới công bố đã tìm thấy thi thể con trai nhà văn - John Kipling - được chôn tại một nơi không xa địa điểm diễn ra trận chiến.