Giản dị, hiền hòa, chênh vênh giữa tiểu thuyết, nhật ký và bút ký… là cảm nhận khi đọc tác phẩm mới phát hành - Miền hoang - của nhà văn Sương Nguyệt Minh, sách dày hơn 600 trang do NXB Trẻ phát hành.

Sương Nguyệt Minh sinh năm 1958 tại Ninh Bình. Đến với nghiệp văn chương khá muộn màng, năm 1992, lần đầu tiên có truyện ngắn đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trước đó, nhà văn từng làm nhiều nghề sinh nhai: từ buôn thuốc lá, trứng vịt, pháo; làm nghề khoan giếng, cho đến cắt dán phong bì. 


Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Con người sau trang viết

Nhà văn Sương Nguyệt Minh, tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn. Mới nghe bút danh, không ít người là lạ vì sự “âm tính” phần nhiều trong đó. Bút danh này được nhà văn lý giải mới như sau: Sương Nguyệt Minh được khởi sự từ tên Sơn, cùng Nguyệt - tên vợ của nhà văn và cậu con trai đầu lòng - Minh. Về sau, trao qua đổi lại, từ bao giờ,  “Sơn” được người biên tập vô tình thêm chữ “ư”, thành Sương. Không cố cự cãi, nhà văn gật đầu, Sương thì… Sương. Và Sương Nguyệt Minh được gọi mãi thành nhiều khi anh em bạn hữu định luôn thành tên thực thường trực.

Cái tên Nguyễn Ngọc Sơn cứ thế tan loãng, rồi thành… điển tích. Thế mới hay cái tên - bút danh - nhà văn - con người đằng sau trang viết đôi khi không có gì liên quan đến nhau, ngoài những thay đổi của số phận, làm nên câu chuyện cuộc đời từ đơn giản đến phức tạp của mỗi con người.

Năm 35 tuổi, đang làm trợ lý văn hóa văn nghệ cho Viện Quân y 103, bỗng nhiên nuôi mộng văn chương. Truyện ngắn đầu tay đăng báo chẳng êm xuôi, ban đầu như nhà văn kể, bị không ít báo từ chối, đến khi được in, thì dính vào kiện tụng do câu chuyện kể bị gán giống với sự thật đang diễn ra của hai dòng họ tại quê hương nhà văn.

Dù trải qua những cảm xúc lo lắng ngoài ý muốn, nhưng điều đó không làm suy giảm đam mê viết. Có lẽ, đã sa vào văn chương, thì tình sâu khó dứt, thế nên, sau 24 năm, nhà văn Sương Nguyệt Minh đã in 7 tập truyện ngắn và 2 bút ký - tạp văn. Sau khi tập truyện ngắn Dị hươngnhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, ngỡ tưởng nhà văn Sương Nguyệt Minh cứ vậy mà chung thủy cùng truyện ngắn, thì tiểu thuyết đầu tay Miền hoang được khai sinh, như điểm mốc đánh dấu sự dấn thân không ngừng nghỉ của nhà văn trên con đường đã xác định.


Bìa cuốn Miền hoang
 

Thân người đi lạc

Miền hoang, tiểu thuyết về người lính Việt Nam trên chiến trường Campuchia, năm 1979. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, nhân vật chính tên Tùng bị lạc trong rừng, sau khi bị đám tàn quân Pol Pot bắt làm tù binh từ trận đánh trên “con đường đất bỏ hoang lâu ngày chỉ có vết lăn xe bò kéo của dân Khmer” (tr.8).

Cảm hứng để viết cuốn tiểu thuyết “định mệnh” này, có lẽ bắt nguồn từ những ám ảnh ký ức của nhà văn, khi từng là “người lính lạc rừng lang thang đói khát, mặt quắt như ngón tay chéo ở những cánh rừng Campuchia” như chính tác giả chia sẻ.

Những mảnh vụn còn sót lại trong trí nhớ lúc hiển hiện, lúc mờ nhạt qua từng trang viết tạo nên một thế giới nội tâm đầy ẩn ức. Trải nghiệm lạ thường trong dòng chảy cảm giác và cảm xúc được kể lại bằng chất văn mềm mại bình dị, pha cả trong sáng ngây thơ.

Bởi từng là người lính lạc đường ngơ ngẩn trong rừng xanh núi thẳm, đối mặt với đói khát đau đớn khôn cùng về thể xác, nên tiểu thuyết Miền hoang của nhà văn Sương Nguyệt Minh bộc lộ sự chân thực tưởng chừng có thể sờ thấy được. Cũng chính vì thế, nhiều tình tiết miêu tả trong truyện, làm người đọc không khỏi gai người.

Mượn hình ảnh người lính, trong bối cảnh chiến tranh, ở một khung thời gian xác định, nhưng xét đến cùng, vẫn là “vỏ ngoài” cho cuộc chiến sinh tồn luôn giáp ranh giữa lằn ranh sống chết của con người.

Trong vô thức bản năng, từ đám Pol Pot trong đó có nữ y tá “bất đắc dĩ” câm do từng bị đồng bọn của mình hiếp dâm tập thể, cho đến người lính tên Tùng, vật lộn, quần thảo, khổ nhục đắm chìm trong bể ngục hầm sâu cửa tử… không thể thấy nổi ánh sáng đằng sau hầm tối sâu hun hút mà tất thảy bị sa vào. Loanh quanh, lẩn quẩn, quằn quại, hành hạ chính nhau để cố tìm một lối ra.

Bao thây người bỏ lại, bao đau đớn nặng mang, để đến những trang cuối cùng của tiểu thuyết, nhân vật chính rốt cuộc cũng “mò ra được cái ‘bến’ mà không bị đầm lầy nuốt chửng” (tr.629), thoát được ma trận rừng xanh, số phận bày đặt ra, đi xa khỏi đám tàn phế tâm hồn từng đeo bám suốt chặng đường, để tìm được “một đường nhựa đi Siêm Riệp, Biển Hồ” (tr.630).

Tưởng đến với cõi sống đằng sau sự chết, Tùng lại sa vào một cơn mê mới - anh lạc ngay trong chính thời bình, khi chiến tranh đã đi qua...

Việt Quỳnh