Hình như ban đầu nhà văn Trung Trung Đỉnh định đặt tên cuốn sách là Trận Ia Đrăng, sau đó mới đổi tên là Lính trận. Tôi từng nói với ông ngay sau khi đọc xong cuốn sách: gọi Lính trận là tiểu thuyết cũng được mà gọi là tự truyện, hồi kí cũng được.

Vì có cảm giác cuốn sách đã được xuyên suốt bằng những điều gan ruột nhất, những hình ảnh sâu sắc nhất, những trạng thái tình cảm, tâm lý đã được đẩy lên đỉnh cao nhất của chính tác giả - người mà nhà văn Nguyên Ngọc đã viết: "Đối với Trung Trung Đỉnh, Tây Nguyên là tất cả. Là cuộc đời anh. Là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là sự rơi chìm, nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh, mê mẩn suốt đời, không cách gì rút ra, thoát ra được, cho đến chết...". Và người đọc đã bị cuốn trôi đi từ dòng đầu tiên cho tới những chữ cuối cùng.

 Và đúng là Trung Trung Đỉnh đã bị Tây Nguyên làm cho mê mẩn suốt đời, đắm chìm suốt đời. Những trang sách về Tây Nguyên của ông, dù là truyện ngắn, tiểu thuyết, bút kí, tản văn… đều khiến người đọc bị đắm chìm theo, mê hoặc theo. Nói cách khác, Tây Nguyên và cuộc kháng chiến chống Mỹ đã làm nên một Trung Trung Đỉnh. Điều đó còn được minh chứng bằng việc, hễ khi ông dù cố ý hay vô tình, đặt mình vào những không gian khác, người đọc đều cảm thấy đó không phải là một Trung Trung Đỉnh thực sự. Một Trung Trung Đỉnh bị (được) mê đắm vì chính những câu chuyện của mình.

Cuốn sách chỉ chưa đầy 300 trang, in giản dị như chính câu chuyện mà nó mang trong mình. Một câu chuyện khá khó để kể lại vì nó gần như không có cốt truyện, một câu chuyện về những người lính miền Bắc vượt Trường Sơn vào Tây Nguyên, một câu chuyện về đoạn cuối của chuyến đi dằng dặc ấy - chính là trận đánh Plei me - Ia Đrăng. Nhưng tất cả trở nên cuốn hút và hấp dẫn nhờ những chi tiết và giọng điệu. Bạn đọc sẽ cảm thấy rất rõ điều này, chính giọng điệu và những chi tiết ngồn ngộn, sống động đã làm nên cuốn sách. Sau cuốn sách này, nếu ông dừng lại, thôi không viết về chiến tranh, người lính và Tây Nguyên nữa, thì cũng không người đọc nào có thể trách cứ ông. Vì ông, rõ ràng cho người đọc thấy, rằng ông đã dồn những điều cháy bỏng nhất trong kí ức vào đó.
Cuốn sách gần như được chia làm hai phần. Phần đầu: Đường ra trận. Phần hai: Trận Pleime - Ia Đrăng. Phần đầu Trung Trung Đỉnh đặc biệt gây ấn tượng với những mối tình và những cái chết. Tất cả những người lính trên đường ra trận đều là những thanh niên còn rất trẻ, với những mối tình và mơ ước cháy bỏng. Tiểu đội của Bỉnh còi có Khôi đen, anh Tụ già, Xuyên con, Chính béo, Ton ngồng, Báu chèo, Ty hâm... mỗi người một tính cách, được mô tả rất hóm hỉnh. Đặc biệt, Trung Trung Đỉnh có cách viết về tình yêu lính tráng rất thú vị. Nhân vật Lâng được viết thế này: “Hình như trước khi về làm tiểu đội trưởng chúng tôi, anh Lâng đã bị rớt mất một vài sao, cũng vì ba cái chuyện ái tình, theo cách nói của anh là nhố nhăng! Anh bảo làm lính thời chiến mà không bị mất sao, mất gạch lần nào vì ‘chuyện ấy” thì cũng chưa ra lính”. Trung Trung Đỉnh đã thoát ra hẳn cái cách viết bó buộc một thời về chân dung người lính nghiêm ngắn một cách cứng nhắc. Những mối tình mà ông kể ra như thể chỉ thêm mắm thêm muối cho câu chuyện dài trên đường ra trận hầu hết đều là những mối tình chớp nhoáng không thể hẹn ngày gặp lại nhưng thảy đều đắm đuối và nóng bỏng. Đọc nó, nghe nó chỉ thấy tràn ngập một niềm thương cảm. Thương cảm cho cả người dâng hiến và người được mang theo sự dâng hiến cháy bỏng ấy. Những mối tình hầu hết đều vội vã, vồ vập, phóng túng và không có ước hẹn vì ở phía trước, ranh giới giữa sự sống và cái chết quá mỏng manh. Nhưng cũng chính nhờ những mối tình chớp nhoáng mà đắm đuối ấy mà người ra đi có điểm tựa để nghĩ về cuộc sống thường nhật giữa những khoảng lặng hiếm hoi của chiến tranh.
Người lính ra trận của Trung Trung Đỉnh có sự đam mê, háo hức của tuổi trẻ, có sự âu lo muộn phiền của nỗi niềm riêng tư, trong đói khát, thiếu thốn, dưới thiên nhiên khắc nghiệt, trên chặng đường hơn một ngàn cây số, sau ba tháng trời, nhiều người đã bị bệnh tật, rủi ro quật ngã khi chưa kịp bắn một viên đạn nào. Những cái chết tức tưởi, đau đớn, bất ngờ, những cái chết khiến những người còn sống day dứt, bàng hoàng, những cái chết hoàn toàn không phải do súng đạn mang lại. Những cái chết khiến người nằm xuống thậm chí chưa kịp hiểu ra vấn đề. Chiến trường ở phía trước, bom đạn ở phía trước, vượt qua hàng ngàn cây số để rồi nằm xuống giữa rừng. Có thể rồi đi ra phía trước cái chết cũng đang chờ ở đó, nhưng thà chết ở chiến trường còn hơn phải nằm lại giữa rừng. Hai nhân vật mà tôi (Bỉnh còi) nhớ mãi, trở đi trở lại trong suốt cuốn sách là anh Tíu và Xuyên con. Cả hai người này đều đột ngột ngã xuống trên đường hành quân. Cả hai người đều ra đi trong sự ngỡ ngàng của cả đơn vị. Sau này, về cuối cuốn sách, Bỉnh còi còn chứng kiến hàng trăm cái chết khác của đồng đội, của đồng bào Tây Nguyên nhưng dường như mỗi cái chết đó đều nhắc anh nhớ lại Xuyên con và anh Tíu, những người đầu tiên vĩnh viễn lìa xa đồng đội.
Trận Plei me - Ia Đrăng là trận đánh đầu tiên của Bỉnh còi và đồng đội. Đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta, đây là một trận đánh ghi dấu ấn đặc biệt trên chiến trường Tây Nguyên. Đồn Plei me là một cứ điểm được xây dựng kiên cố và phòng thủ vững chắc. Tiến hành chiến dịch Plei me khi đó có 3 trung đoàn bộ binh, và Bỉnh còi cùng đồng đội nằm trong đội hình trung đoàn 320, đánh viện binh địch trên đường 21. Mục đích của trận Plei me là nhằm phối hợp với chiến trường toàn miền Nam tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ để mở rộng và củng cố vùng giải phóng, xây dựng căn cứ, rèn luyện bộ đội và cơ quan chiến dịch, qua chiến đấu từng bước tìm hiểu quân Mỹ, xây dựng lòng tin đánh Mỹ. Kế hoạch của chiến dịch Plei me được xác định có ba bước: vây đồn Plei me, diệt quân ngụy ứng viện, buộc quân Mỹ tham chiến, tập trung lực lượng nhằm vào một cánh quân Mỹ để tiêu diệt. Ngày 29-10-1965, bộ chỉ huy chiến dịch chủ động kết thúc đợt 1 chiến dịch, chuyển sang giai đoạn tiếp theo. Lính trận của Trung Trung Đỉnh được kết thúc ở thời điểm này. Đây là giai đoạn mở đầu của chiến dịch và cũng là giai đoạn cực kì khốc liệt. Vì sau một chặng đường hành quân rất dài, sức khỏe suy kiệt, ăn uống thiếu thốn, lại phải đối mặt ngay với một đội quân nhà giàu, được trang bị hỏa lực hùng hậu, trung bình 1 lính Mỹ tại chiến tuyến được 5 lính khác ở tuyến sau hỗ trợ phi pháo ném bom, tải thương. Trận đánh kết thúc, đã gây ra một ảnh hưởng sâu rộng về quan điểm chiến tranh của người Mỹ, thay đổi cách nhìn lạc quan về triển vọng chiến thắng dễ dàng vốn vẫn được duy trì trong binh lính Mỹ.
Bỉnh còi, trong trận đánh này đã phải chứng kiến sự hi sinh của không chỉ 2 mà hàng trăm đồng đội. Trong đó có một cô gái người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. H’Dên đã hi sinh ngay trước mắt Bỉnh còi, Bỉnh còi nhìn thấy cái chết đang tới với H’Dên, đã cố gắng hết sức để giữ cô ở lại mà không được.
Bạn đọc sẽ thấy, trận Pleime - Ia Đrăng không phải là mục đích chính mà tác giả hướng tới trong cuốn sách này, mặc dù nếu không có sự dữ dội, khốc liệt của nó thì sức nặng của cuốn sách sẽ giảm đi đáng kể. Mà suy cho cùng, chiến dịch này giúp cho Trung Trung Đỉnh trình ra trước bạn đọc chân dung về người lính. Đúng nghĩa lính trận. Có đủ mọi trạng thái tâm lý tình cảm, đủ mọi tính cách, đủ mọi nguồn gốc nhân thân, nhưng đã ra trận là không thoái lui. Một chân dung không gượng gạo, không thổi phồng, với mọi hành vi đều đã được lý giải.
Trong cuốn sách này, Trung Trung Đỉnh chỉ bày ra một phần rất nhỏ vốn văn hóa và sự hiểu biết về Tây Nguyên của ông. Nhưng Tây Nguyên trong Lính trận đã kịp hiện ra với tất cả dáng vẻ của nó, tinh thần của nó. Trung Trung Đỉnh có cách khắc họa nhân vật là người Tây Nguyên rất thú vị. “Khi nãy dân làng nó thắc mắc cán bộ truyền đạt không trúng lỗ tai, dám bảo tình hình cách mạng đang đi lên. Ông già cãi cách mạng đang đi xuống. Đi xuống dốc có thuận lợi nhiều hơn, nhanh tới thắng lợi hơn. Lên dốc mệt hung, biết đến bao giờ tới thắng lợi?”.
Tôi đã từng nói với ông, khi nào ông viết về Tây Nguyên khi ấy mới thấy thực sự một Trung Trung Đỉnh. Và quả đúng là như vậy.