Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), NXB Thông tấn ấn hành tuyển tập phóng sự Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng của hai nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và Đỗ Doãn Hoàng. Cả hai nhà báo này đã xuất bản nhiều đầu sách chuyên… phóng sự và hai ông được mệnh danh như những cây bút “trùm phóng sự” hiện nay.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng công tác tại báo Tuổi Trẻ, Lao Động và hiện làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập tạp chí Nghề báo. Nói đến Huỳnh Dũng Nhân, người làm nghề thường nhớ về thời huy hoàng của báo Lao Động vào khoảng những năm 1990. Khi ấy, những phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân in trên Lao Động đã trở thành một “đặc sản” được bạn đọc chờ đón.

Tất nhiên, sau khi làm xong nhiệm vụ đăng báo, những bài phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân có một đời sống dài hơn khi được in thành sách. Những cuốn sách của Huỳnh Dũng Nhân, như: Tôi đi bán tôi, Ký sự xuyên Việt, Ăn tết trong rừng chó sói, Lãng mạn cùng cá sấu, Kính thưa ôsin… đã trở thành sách tham khảo của sinh viên báo chí về môn phóng sự. Hơn thế, giá trị văn học trong các phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân còn được khai thác dựng kịch, làm phim. Kính thưa ôsin hiện vẫn là vở kịch ăn khách tại sân khấu 5B Võ Văn Tần, TP.HCM do Nguyễn Lâm đạo diễn. Phóng sự này còn được dựng thành phim truyền hình.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng từng làm việc ở báo An ninh thế giới, hiện là cây bút tiếp nối Huỳnh Dũng Nhân ở thể loại phóng sự tại báo Lao Động. Cũng như đàn anh, các phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng được in thành sách gây tiếng vang và để lại dư âm cho độc giả. Có thể kể các đầu sách, như: Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha, Nhìn ngược, Nến cong và lửa thẳng, Cánh chim rừng không mỏi…

Để có được những bài phóng sự in báo rồi in sách, hẳn nhiên hai nhà báo này phải đi khắp nơi bằng đôi chân, nhìn tận mắt, sờ tận tay những hiện tượng và con người…, chứ không thể làm “anh hùng bàn phím” ngồi tưởng tượng trên sa-lông phòng lạnh. Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng gồm 17 phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng và 19 phóng sự của Huỳnh Dũng Nhân. Đây là những phóng sự “ưng ý nhất” được chọn lựa sau quá trình làm báo hàng chục năm ròng của hai ông.

Nhà báo Lý Sinh Sự (tức Trần Đức Chính, nguyên Phó Tổng biên tập Lao Động, nguyên Tổng biên tập Nhà báo và Công luận), nói về tập phóng sự của hai nhà báo đàn em, rằng: “Có lẽ Huỳnh Dũng Nhân và Đỗ Doãn Hoàng chọn nơi sâu nhất (hầm lò Mông Dương) và nơi cao nhất (nóc nhà Thế giới Tây Tạng) cũng có ý làm hợp tuyển một lần nữa đưa độc giả về những nơi hai nhà báo đã dấn thân đi và viết. Bởi một lẽ ở đời, chúng ta không thể đến hết mọi nơi và sứ mạng của những cây bút phóng sự là kể lại cho chúng ta những câu chuyện, những số phận “đẹp hơn nước mắt”.

“Kể một cách chân thực, không bịa đặt, với cái nhìn nhân văn. Văn hào Pauxtopxki gọi Andecxen là “người kể chuyện cổ tích”. Tôi – một người làm báo 45 năm không ngừng nghỉ phép cũng nhái theo, gọi những nhà báo viết phóng sự như Huỳnh Dũng Nhân và Đỗ Doãn Hoàng là những người kể chuyện đời. Cuộc đời trong phóng sự của hai anh gợi cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ, như khi ta nghe được hồi chuông thu không, tiếng chuông chiều kéo tâm hồn ta dừng lại, ngắm nhìn và ngẫm nghĩ một cách nghiêm túc: “Tại sao cuộc sống còn nhiều vất vả gian nan đến thế, trong lúc thiên nhiên và cuộc đời vẫn đẹp sao?”. Tại sao có những người vất vả, tủi cực đến thế thậm chí ngay trong cuộc sống có thể nói tươi đẹp như hiện nay?” – nhà báo Lý Sinh Sự cho biết.

Theo thethaovanhoa