Năm học 2014-2015, NXB Giáo dục đã in và phát hành 97 triệu bản sách giáo khoa (SGK) các cấp. Lấy đơn giá trung bình của một cuốn SGK (Tiếng Việt lớp 3) có giá bìa 11.500 đồng, thì dễ dàng tính ra doanh thu từ SGK của NXB khoảng 1.000 tỉ đồng /năm. Thế nhưng, chính những tác giả có các tác phẩm được in trong SGK lại không hề nhận được một đồng tiền tác quyền.

Cuối tuần qua, Trung tâm tác quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã gửi công văn tới Hội Nhà văn Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) chính thức đề nghị các cơ quan trên can thiệp giải quyết kịp thời để quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả có tác phẩm in trong SGK được bảo vệ theo đúng quy định pháp luật. Quyết định này đã được nhiều  tác giả thống nhất sau hội thảo liên quan đến tác quyền văn học do VLCC tổ chức hồi đầu tháng 12.

 
Theo tinh thần của công văn này, đầu tháng 4 năm 2014, VLCC tiến hành thống kê và khảo sát bộ sách Ngữ văn, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12, phát hiện các tác phẩm văn học được NXB Giáo dục sử dụng trong bộ SGK phổ thông mà chưa xin phép và trả tiền nhuận bút đầy đủ cho các tác giả trong suốt hơn 10 năm qua. Ngày 28/5, VLCC đã gửi công văn đề nghị NXB Giáo dục chi trả nhuận bút cho các tác giả. Dẫu vậy, đã  gần 7 tháng kể từ ngày VLCC gửi công văn nhưng quyền lợi của các tác giả vẫn chưa được bảo vệ.
 
Ông Đỗ Hàn - Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Giám đốc VLCC cho biết: Hiện trung tâm đã có văn bản xin ý kiến Cục Bản quyền, Cục Xuất bản về cách tính nhuận bút cho các tác phẩm văn học trong SGK. Theo Nghị định 18/2014/NĐ-CP thì những tác phẩm văn học in trong SGK cần tính theo Điều 13 về "Nhuận bút với xuất bản phẩm thể loại sáng tác” theo đó văn, thơ phải được áp dụng mục 1 và 3, đồng thời theo công thức: Nhuận bút = tỉ lệ phần trăm x giá bán lẻ sản phẩm x số lượng in. 
 
Theo ông Hàn, hiện cách tính của NXB Giáo dục đang áp dụng khoản 12, Điều 13 khung nhuận bút cho "sách bài học, sách bài tập, sách cho giáo viên và chương trình mục tiêu theo chương trình của Bộ GDĐT”. Như vậy, cách tính của NXB Giáo dục là nhuận bút dành cho những người biên soạn sách chứ không phải tiền tác quyền đối với các nhà văn, nhà thơ. Hai bên cần bình tĩnh và hành xử đúng luật, hơn nữa, NXB cũng cần rạch ròi, giải thích rõ cho các nhà văn, nhà thơ tại sao lại tính toán như vậy... 
 
Như vậy cho tới nay, VLCC và NXB Giáo dục vẫn chưa thống nhất được vấn đề tiền bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được in trong SGK. Và như thế, việc NXB Giáo dục thông tin "đã có ý thức và thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được các tác giả biên soạn SGK trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn” là chưa thuyết phục.
 
Điều đáng phải suy ngẫm là cho dù NXB này đang sai rành rành trong việc mập mờ tác quyền, nhưng lại đề nghị được khen thưởng. Ngày 28/10/2014 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đỗ Thị Nghĩa ký công văn gửi Ban Thi đua khen thưởng Trung ương về việc đề nghị xét khen thưởng cho NXB Giáo dục, trong đó có nêu rõ: "NXB Giáo dục đã thực hiện việc trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được trích sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ văn”.
 
Ngày 12/12/2014, NXB Giáo dục gửi công văn đề nghị xét thưởng tới Ban Thi đua khen thưởng Trung ương vẫn khẳng định: "Việc chi trả nhuận bút cho các tác giả, NXB Giáo dục đã chi trả đầy đủ theo Nghị định 18”.  Theo đó, NXB Giáo dục lý giải bộ SGK hiện hành được tổ chức biên soạn từ năm 2002 đến năm 2008. Tác giả biên soạn SGK được Bộ GD&ĐT lựa chọn. Các tác giả biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành. Trong quá trình biên soạn, tổng chủ biên, chủ biên và các tác giả lựa chọn một số tác phẩm thơ, văn trích đưa vào SGK Tiếng Việt và SGK Ngữ Văn để phục vụ cho nội dung bài học.
 
Vậy nhưng tính đến thời điểm hiện tại, các tác giả như các nhà thơ Nguyễn Duy, Đỗ Trung Quân, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Đặng Hiển đều cho biết chưa nhận nhuận bút, thậm chí không có sách biếu.
 
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - người có nhiều tác phẩm in trong SGK nhất, cũng chưa nhận đồng nhuận bút nào đã phải dùng hai từ "chán nản” khi nhắc đến chuyện tác quyền trong SGK.
 
Câu trả lời cho từ "sự thật” ở đây là gì? NXB Giáo dục đã trả tác quyền cho ai? 
 
Được biết, trong đề án đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông đang trình Quốc hội, kinh phí dự toán để soạn chương trình SGK là rất lớn. Nhưng chính con số này chỉ dành cho những đơn vị, cá nhân tham gia biên soạn chứ không có khoản nào liên quan đến bản quyền trả cho các tác giả.
 
Lãnh đạo Bộ GDĐT cho hay, tới đây, Bộ sẽ đưa ra quy chế yêu cầu NXB phải thực hiện quyền tác giả. Thế nhưng còn những tác giả đã được NXB Giáo dục sử dụng tác phẩm "chùa” trong hàng chục năm qua thì sao?
Theo Đại đoàn kết