NXB Giáo dục đã lần đầu tiên phải chi trả tiền tác quyền cho các nhà văn, nhà thơ có tác phẩm sử dụng trong SGK sau “cuộc chiến” kiên trì của Trung tâm Quyền tác giả văn học VN (VLCC) khởi nguồn từ loạt bài “Sách giáo khoa cũng vi phạm tác quyền” của Báo Lao Động từ cuối năm 2014. Trao đổi với Lao Động, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc VLCC (ảnh) cho biết:

Kết quả vừa qua được VLCC coi là thắng lợi bước đầu và “cuộc chiến” chắc chắn phải tiếp tục. Với tình trạng xâm phạm quyền tác giả đang tràn lan như hiện nay thì VLCC chắc chắn phải làm mạnh và quyết liệt hơn nữa.

Năm 2015, VLCC đã bắt đầu một vụ kiện mà không ít người nghĩ rằng VLCC dám làm, nhưng chúng tôi thấy rằng đó là cách tốt nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thành viên của mình, cũng như là cách tuyên truyền nhanh nhất về văn hóa và ý thức tuân thủ quyền tác giả. Nghĩ đơn giản hơn thì đó là cách mà VLCC cố gắng lật ngược lại tình thế để khẳng định quyền “yêu cầu” người sử dụng tác phẩm thực hiện nghĩa vụ chứ không phải đi “đòi” hay đi “xin” tiền nhuận bút từ họ. Hiện còn một số đơn vị sử dụng không thiện chí, thậm chí là trốn tránh nghĩa vụ chi trả tiền nhuận bút cho VLCC như Đài Tiếng nói Việt Nam…, đặc biệt là NXB Phụ nữ - đơn vị nhiều lần vi phạm quyền tác giả của các thành viên VLCC và có thái độ bất hợp tác khiến nhà văn khá tức giận. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng biện pháp dân sự là khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi cho thành viên của mình.

Đối với NXB Giáo dục, chúng tôi còn phải tiếp tục làm việc vì họ còn ấn phẩm có sử dụng tác phẩm của thành viên VLCC nhưng chưa thực hiện chế độ nhuận bút như sách tham khảo. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng, tới đây NXB Giáo dục sẽ thiện chí hợp tác.

Một số tác giả vẫn chưa hiểu cách tính và theo chị, những con số NXB Giáo dục đưa ra đã thỏa đáng hay chưa?

- NXB Giáo dục chi trả cho hơn 10 năm sử dụng (từ 2002 - 2014) là chưa thỏa đáng. Nhìn vào công thức tôi thấy NXB Giáo dục hoàn toàn có thể chi trả cao hơn cho các tác giả, nhất là khi họ đã sử dụng trong nhiều năm và bây giờ mới trả truy thu. Công thức chi trả được căn cứ theo Nghị định số 61/2002/NĐ-CP và Nghị định số 18/2014/NĐ-CP, cụ thể là: Tỉ lệ phần trăm (%) x Mức tiền lương cơ sở (hoặc lương tối thiểu) x Số lượng tiết học theo quy định của chương trình. Công thức này được quy định chung cho một tiết học, mà tác phẩm được sử dụng trong SGK có tác giả biên soạn nhưng Nghị định lại không quy định tỉ lệ giữa hai tác giả này. Do vậy, NXB Giáo dục hoàn toàn có thể đưa ra một tỉ lệ công bằng hơn cho các tác giả. Trong công thức này, nếu tính đến quyền lợi cho các tác giả thì số tiền NXB chi trả cho các tác giả chắc chắn sẽ cao hơn.

Bản thân công thức tính theo Nghị định 18 cũng hoàn toàn không phù hợp, bởi Nghị định này được xây dựng dựa trên Nghị định 61 ban hành từ năm 2002 khi VN còn chưa có Luật Sở hữu trí tuệ. Như bạn biết, quy định chi trả nhuận bút chung của các NXB cả ở VN và thế giới là căn cứ vào số lượng xuất bản phẩm và giá bán. Đây là cách tính khoa học nhất và đảm bảo quyền lợi cho các bên, tuy nhiên Nghị định 18 lại đưa ra một công thức khác.

Dù đã trả tiền tác quyền, nhưng NXB Giáo dục đến giờ vẫn không gửi lời xin lỗi các tác giả?

- Có lẽ NXB Giáo dục cho rằng trả tiền đã là xin lỗi rồi nên không làm nữa. Tôi thì cho rằng đã có lỗi thì phải nhận, đó là đạo đức thông thường của người được giáo dục. Và cũng không đơn giản để có được kết quả ngày hôm nay, nếu không có sự giúp đỡ vô điều kiện của báo chí, công luận. Một số gia đình các tác giả như nhà thơ Hữu Việt - con trai nhà văn Hữu Mai, có nói đại ý: Tại sao Trung tâm phải mất công, mất sức đến ngần ấy thời gian và làm rất nhiều cách để NXB Giáo dục trả tác quyền? Một xã hội văn minh là tiền tác quyền phải tự tìm đến mà trả cho tác giả, chứ không phải cả một tổ chức kèo kẽo đi đòi thế này!

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Dù muộn, nhưng vẫn là bước tiến về bản quyền”

“Tôi rất bất ngờ khi được nhận tiền tác quyền cho các tác phẩm in trong SGK vì nói thật, khi nghe VLCC vào cuộc, tôi không hy vọng nhiều. Tôi được nhận tiền tác quyền cao thứ ba, sau nhà thơ Tố Hữu và nhà văn Tô Hoài, nhưng thực sự tôi không nhớ mình có bao nhiêu tác phẩm in trong SGK, cũng không rõ cách tính cụ thể như thế nào, nhưng như thế là quá tốt rồi. Cá nhân tôi thấy không cần phải quá chi li đến vậy. Dù là muộn, dù là chậm nhưng tôi vẫn đánh giá đây là một bước tiến khá mới mẻ trong lĩnh vực bản quyền để chúng ta tập làm quen với đời sống văn minh mà một trong những ứng xử quan trọng của nó là câu chuyện bản quyền.”

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Đã bắt đầu quen với việc trả tác quyền”

“Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa biết mình sẽ nhận tiền tác quyền ở đâu, và bao nhiêu, liên hệ với ai nếu ở TPHCM. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, họ đã bắt đầu quen với việc trả tác quyền, đã biết cách làm việc văn minh. Nhiều tác giả cũng như tôi, chưa hiểu công thức tính tác quyền ra sao, thì nên giải thích cho chúng tôi hiểu. Điều này rất cần thiết, vì nếu trả như “bố thí” thì không nên.

Dân mình có tâm lý không hay là nếu không trả tác quyền thì bị chửi, nhưng trả tác quyền rồi mà bị chê ít, cũng chửi, lại càng không nên. Qua đây, cũng nên ghi nhận thái độ cầu thị, văn minh của NXB, bước đầu làm việc theo pháp luật. Còn trả bao nhiêu thì NXB Giáo dục nên xem xét các quy tắc về bản quyền. Đó cũng là nỗ lực của báo Lao Động rất đáng trân trọng, đã đấu tranh đòi quyền lợi cho các nhà văn, nhà thơ”.

Nhà thơ Nguyễn Duy: “Trông cậy vào Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam”

“500 triệu đồng bước đầu chi trả cho các tác giả, theo tôi, cũng không biết là nhiều hay ít. Vì từ trước đến nay, dù chẳng có xu nào, mình cũng đâu “lăn tăn” về chuyện đó. Nhưng theo luật công bằng thì chúng tôi phải lên tiếng, ít hay nhiều cũng đều phải trả cho rạch ròi, sòng phẳng. Còn cần thiết thì nhờ các chuyên gia, các nhà chuyên môn về bản quyền tính toán giúp. Tác giả vốn mù tịt, cứ nghe được trả tác quyền thì mừng lắm. Đây là một động thái có ý nghĩa tinh thần cao hơn cả ý nghĩa vật chất. Nhiều hay ít thì chưa có cơ sở bình luận, vì chưa biết người ta trả thế nào, cách tính ra sao. Chỉ trông cậy vào cơ quan chức năng, trung tâm đàm phán giúp cho thôi”.H.T - M.T (ghi)