Hiện nay có một số tác giả mặc dù đã ký hợp đồng ủy quyền với VLCC nhưng không hiểu hoặc chưa hiểu các quyền và nghĩa vụ của VLCC cũng như quyền và nghĩa vụ của chính mình trong hợp đồng ủy quyền nên đã đưa ra những thông tin sai lệch, làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của VLCC. Do vậy, VLCC sẽ phân tích rõ về các quyền mà các tác giả đã ủy quyền cho VLCC theo hợp đồng ủy quyền.

Tại mục 1.1 hợp đồng ủy quyền QUẢN LÝ, KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ (hợp đồng được áp dụng từ năm 2014) quy định:
 Bên A (tức tác giả) ủy quyền cho bên B (tức VLCC) quản lý, khai thác và bảo vệ toàn bộ các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm theo quy định tại điều 19 và điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là các quyền được ủy thác) đối với các tác phẩm văn học mà bên A đang sở hữu, đồng sở hữu hợp pháp hoặc sẽ s­ở hữu trong tương lai. Bao gồm các quyền sau:
        a/ Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
        b/ Quyền làm tác phẩm phái sinh.
        c/ Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng.
        d/ Quyền sao chép tác phẩm.
        e/ Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
       f/ Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
        g/ Những quyền khác mà luật pháp cho phép.
PHÂN TÍCH VỀ CÁC QUYỀN:
1.  - Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm. VLCC chưa từng khai thác quyền này.
2.  - Quyền làm tác phẩm phái sinh. Theo giải thích tại mục 4.8 Luật SHTT “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”. VLCC đã cấp phép cho 1 số NXB tuyển chọn truyện ngắn, biên soạn trong sách Giáo Khoa.
     - Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Theo giải thích tại Nghị định 100 hướng dẫn Luật SHTT, đó là việc tác giả thực hiện hoặc cho phép người khác biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Ứng dụng vào thực tế có thể hiểu đơn giản là việc ngâm thơ, đọc truyện trước đám đông hoặc trên phát thanh, truyền hình. VLCC chưa từng khai thác quyền này.
 -   Quyền sao chép tác phẩm. Theo giải thích tại mục 4.10 của Luật SHTT “Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử”.
Như vậy để thấy, quyền Sao chép mà tác giả ủy quyền cho VLCC ở đây bao gồm tất cả các hình thức gồm sao chép điện tử - Ebook.
Cần phân biệt rõ, VLCC thực hiện chức năng cấp phép cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm để SAO CHÉP, VLCC không xuất bản hay phát hành tác phẩm. Việc đó phải tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản.
5.   - Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. VLCC chưa khai thác quyền này.
6.   - Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác theo giải thích của nghị định 100 là quyền độc quyền thực hiện của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cho phép người khác thực hiện để đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn. VLCC chưa khai thác quyền này.
 Đối với mẫu hợp đồng ủy thác quyền được áp dụng trước năm 2014 cũng quy định rõ về các quyền mà tác giả đồng ý ủy quyền cho VLCC gồm:
     Sử dụng tác phẩm trong hoạt động xuất bản;
     Sử dụng tác phẩm dưới hình thức biểu diễn;
     Sử dụng tác phẩm trên các phương tiện truyền thông, thiết bị cầm tay và trong môi trường kỹ thuật số;      
     Sử dụng tác phẩm trên các phương tiện phát sóng;
     Sử dụng tác phẩm tại các địa điểm công cộng;
     Sử dụng tác phẩm trong điện ảnh, sân khấu; 
     Sử dụng tác phẩm để sao chép bằng các phương tiện sao chép;        
     Sử dụng tác phẩm trong các lĩnh vực khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Hoặc chi tiết của quyền Sao chép tác phẩm:
     Quyền sao chép, phân phối và lưu trữ trên mạng Internet;
     Quyền sao chép, phân phối trên các phương tiện pháp sóng;
     Quyền sao chép, phân phối trong lĩnh vực sách giáo dục, trường học;
     Quyền sử dụng trong phim, sân khấu, video;
     Quyền làm tác phẩm phái sinh;
     Những quyền khác pháp luật cho phép.
      Về khía cạnh pháp lý, VLCC có được nhận ủy quyền để khai thác các quyền trên?
Mục 56.2.a Luật SHTT quy định: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện việc quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được uỷ quyền.
Do đó, là một tổ chức đại diện tập thể quyển tác giả được thành lập hợp pháp theo quyết định của Hội Nhà Văn và Bộ Nội Vụ, VLCC có hoàn toàn có quyền nhận ủy quyền các quyền để Quản lý, Khai thác và Bảo vệ.
Do các quy định pháp luật về quyền tác giả khá phức tạp, vì vậy, VLCC đề nghị các tác giả thành viên:
-     Chủ động liên hệ VLCC trao đổi các thông tin để được giải thích.Trong trường hợp đã được giải thích trực tiếp hoặc qua thông báo này vẫn thấy chưa thỏa mãn, tác giả có toàn quyền liên hệ với VLCC làm thủ tục chấm dứt hợp đồng hoặc đề nghị bỏ một hoặc một số quyền ra khỏi danh mục ủy quyền tuân thủ hợp đồng ủy thác giữa hai bên.
      Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam xin trân trọng thông báo.
VLCC